Hoạt động lấn biển - thực trạng và "khoảng trống" pháp lý

Kỳ 2: Những cảnh báo từ thực tế triển khai

- Thứ Ba, 03/08/2021, 05:59 - Chia sẻ
Thời gian qua, một số dự án lấn biển đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển. Có dự án phải ngừng triển khai do chưa tính toán kỹ về kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; có dự án phải xem xét lại do ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; có dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai...

Hệ lụy về môi trường và xã hội

Ngày 12.6.2020 Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600ha thành 2.780ha. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu dự án phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn...

Bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dự án có hoạt động lấn biển gây những tác động, ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Thực tế vừa qua cho thấy, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển như là “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân, cộng đồng với biển, hạn chế tiềm năng du lịch biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, hoạt động lấn biển cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên, địa hình; mức độ, tốc độ xói lở, bồi tụ bờ biển; quá trình, yếu tố động lực vùng bờ, dòng chảy; xu thế biến đổi bờ biển, địa hình đáy biển khu vực lấn biển; các tác động đến dân sinh, kinh tế, môi trường; giải pháp phòng, chống xói lở, bồi tụ bờ biển quanh khu vực lấn biển… Đây là những yêu cầu không thể thiếu của mỗi dự án có hoạt động lấn biển.

Bên cạnh đó, mỗi dự án có hoạt động lấn biển đều phải tính toán đến sự hài hòa về lợi ích giữa địa phương, nhà đầu tư và người dân. Việc điều tra, đánh giá, xác định các khu vực lấn biển cần phải được tiến hành toàn diện, nghiêm túc, chặt chẽ với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và phải được tính toán, xây dựng phương án tổng thể về hạ tầng, giao thông kết nối, hạ tầng dịch vụ thiết yếu (điện, nước, y tế, giáo dục...), dân cư, vấn đề quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Vậy nhưng, trong thời gian vừa qua, do chưa thực hiện, giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, nên một số dự án có hoạt động lấn biển đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển. Có dự án phải ngừng triển khai do chưa tính toán kỹ càng về kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Có dự án phải xem xét lại do ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Có dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai.

Nguồn: ITN

Đe dọa làm biến dạng các di sản

Thời gian qua, tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch. Một số doanh nghiệp lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép. Việc buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển diễn ra ở một số địa phương gần đây nổi lên một số vấn đề khá phức tạp như ở Quảng Ninh (Hạ Long, Cẩm Phả), Hải Phòng (Cát Bà), Thanh Hóa (Sầm Sơn), Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), TP. Hồ Chí Minh (Cần Giờ)...

Có một thực tế là chính quyền và các doanh nghiệp đều muốn quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới tại các di sản nổi tiếng như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vịnh Đà Nẵng, vịnh Nha Trang, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận... Tuy nhiên, các dự án này đều không được các nhà khoa học ủng hộ và người dân phản đối, lại không đủ vốn vì dự án quá lớn nên không được triển khai hay “án binh bất động” nhiều năm liền.

Còn nhớ vào năm 2017, tại cuộc họp của UBND tỉnh Khánh Hòa về đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang, Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia đề xuất nhiều khu vực ven biển TP. Nha Trang sẽ lấn ra vịnh để mở rộng dải bờ biển, tạo không gian mới nhằm xây dựng thêm nhiều công viên, bãi tắm, các khu đô thị, dịch vụ… Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, đã bày tỏ lo ngại về ý tưởng lấn vịnh Nha Trang và khẳng định việc này sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Hay, năm 2018, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng đã cảnh báo đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng xây khu đô thị “tỷ đô”. Trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã tiếp nhận đề xuất nghiên cứu lấn vịnh Đà Nẵng làm khu đô thị phức hợp có quy mô trên 1.400 ha, vị trí lấn biển cách đất liền khoảng 1km, tổng vốn đầu tư dự kiến lên 8 tỷ USD. Dự án lấn biển này nhằm xây dựng siêu đô thị bao gồm các khu chức năng như: khu chung cư cao tầng, trung tâm văn hóa, công viên công nghệ, khu nghỉ dưỡng quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, casino, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf, bến du thuyền… mang tên Dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island.

Theo ông Tiếng, quy mô vịnh Đà Nẵng nhỏ hơn rất nhiều so với các khu đô thị biển khác trên thế giới nên không thể so sánh như mô hình của Dubai lấn biển vịnh Ba-Tư, hay như Singapore lấn biển… “Chưa kể vịnh Đà Nẵng là đầu ra của sông Cu Đê, và nhất là cửa ra của sông Hàn. Vịnh Đà Nẵng bị thu hẹp chắn chắc ảnh hưởng dòng chảy của hai sông này. Phương án hút cát tại chỗ để bồi đắp đảo nhân tạo chắc chắn cũng ảnh hưởng đến bờ biển, có thể gây sạt lở” - ông Tiếng nhấn mạnh.

Nhật Tuấn