"Nhiệm vụ kép" ở vùng biên

Kỳ 1: Điểm danh những điểm nóng

- Thứ Tư, 14/07/2021, 06:11 - Chia sẻ

Dù lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an… huy động tối đa người, phương tiện để thực hiện "nhiệm vụ kép" - vừa quản lý, bảo vệ biên giới vừa phòng, chống dịch Covid-19 - nhưng vì hám lợi, một số đối tượng vẫn lợi dụng đường mòn, lối mở để vận chuyển hàng lậu qua biên giới; đặc biệt, tình trạng buôn lậu trên biên giới biển ngày càng gia tăng.

Mặc dù, số lượng các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại được kéo giảm, nhưng tính chất và mức độ hành vi vi phạm tinh vi, phức tạp hơn với những vụ việc chống người thi hành công vụ của đối tượng vi phạm. 

Đồn Biên phòng và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên kiểm đếm tang vật 5 kg vàng

6 tháng đầu năm bắt giữ 1.087 vụ/526 đối tượng

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp bắt giữ 1.087 vụ/526 đối tượng (giảm 165 vụ/182 đối tượng so với 6 tháng đầu năm 2020) buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ để điều tra, xử lý khoảng 61,3 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra, đóng chốt kiểm soát nghiêm ngặt mọi hoạt động thương mại, qua lại trên tuyến biên giới nên tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm được kéo giảm. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ trong nước không ngừng tăng, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu khá cao nên thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên là buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng, tạp hóa, giày dép, thuốc lá, pháo, nguyên liệu thuốc bắc, nội tạng động vật, linh kiện điện tử... trên tuyến biên giới phía Bắc; kim loại quý, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá, đường, phế liệu, nông sản... trên tuyến biên giới Tây Nam. Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tại Lạng Sơn; vàng tại An Giang; lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu các mặt hàng đông lạnh, hàng tạp hóa, thực phẩm tại Quảng Ninh; hoạt động vận chuyển pháo gia tăng tại Kon Tum, Bình Phước.

Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biếtbị truy đuổi, bắt giữ gắt gao nên các đầu nậu, các đối tượng vận chuyển hàng lậu tỏ ra e dè hơn, hoạt động co cụm, nhưng diễn biến, tính chất hành vi phức tạp, tinh vi hơn. Đáng lo ngại là nhiều nhóm đối tượng buôn lậu có hành vi chống trả hung hãn để cướp lại hàng và chạy trốn. Đối tượng buôn lậu đã thực hiện 9 vụ chống người thi hành công vụ tại Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, nơi luôn là điểm nóng buôn lậu trong thời gian qua.

Thực hiện Chuyên án AG421, ngày 7.5.2021, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với Đồn bắt một vụ vận chuyển vàng trái phép qua biên giới. Tang vật là 5 miếng kim loại màu vàng, trọng lượng 5kg và 1 triệu Riel (tiền Campuchia) cùng 4 triệu đồng... Tổng trị giá tang vật khoảng 7 tỷ đồng.

Chủ yếu là hoạt động nhỏ lẻ

Hiện, Bộ đội Biên phòng An Giang đang duy trì nghiêm 200 tổ, chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 với hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tham gia bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh và đấu tranh với các loại tội phạm, gian lận thương mại qua biên giới. Trên tuyến biên giới Long An hiện có 60 điểm, chốt phòng, chống dịch Covid-19, với gần 700 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ.

Trước sự kiểm soát chặt chẽ của các tổ, chốt biên phòng trên biên giới và cơ quan chức năng nên các đối tượng buôn lậu không còn hoạt động với quy mô lớn như thời gian trước mà đã chuyển sang hoạt động nhỏ lẻ. Các đối tượng lợi dụng thời điểm đêm tối, khoảng cách giữa hai tổ, chốt để vận chuyển hàng lậu.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh An Giang, đa số các đối tượng vận chuyển hàng lậu là những cư dân ở khu vực biên giới rất thông thạo địa bàn. Do không có nghề nghiệp ổn định, đời sống kinh tế khó khăn, nên họ đã bất chấp các quy định của pháp luật, vận chuyển nhỏ lẻ hàng lậu về Việt Nam để bán kiếm lời.

Trung tá Trần Hòa Hiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên cho biết, khu vực biên giới huyện Tịnh Biên từ trước đến nay luôn được xem là địa bàn “nóng” về hoạt động buôn lậu của tỉnh An Giang. Hàng lậu được vận chuyển về nội địa thông qua đường thủy lẫn đường bộ, tùy theo điều kiện thời tiết, địa hình. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đã bắt giữ 15 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ước tính tổng giá trị hàng hóa thu giữ gần 8 tỷ đồng.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, thủ đoạn buôn lậu thay đổi tùy theo mùa khô hay mùa mưa, vận chuyển đường bộ hay đường sông. Hàng lậu thường được các đối tượng tập kết sát đường biên giới, chờ thời cơ tuồn qua. Trong quá trình vận chuyển, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đều bỏ lại hàng và chạy ngược lại về bên kia biên giới. Thế nên, chỉ số ít vụ buôn lậu, lực lượng Biên phòng bắt được đối tượng vận chuyển, còn phần lớn là hàng vô chủ.

Tại Đồng Tháp, hiện các điểm chứa hàng hóa dọc theo biên giới phía Campuchia vẫn duy trì hoạt động, chờ cơ hội thuận lợi để nhanh chóng vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới với số lượng nhỏ lẻ từng lượt chuyến. Mới đây, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Công an phường An Thạnh, Công an TP. Hồng Ngự tổ chức kiểm soát khu vực khóm 2 (phường An Thạnh, TP. Hồng Ngự), phát hiện 2 vụ chứa gần 1.700 bao thuốc lá ngoại nhập lậu được ngụy trang bằng các túi nilon, bao PP và tập kết ven đường chờ cơ hội thuận lợi để vận chuyển bằng xe buýt hoặc xe máy vào nội địa tiêu thụ.

Bài và ảnh: Nhật Tuấn - Đăng Bảy