Triết lý giáo dục Nhật Bản và gợi ý cho Việt Nam

Kỳ 1: Xã hội tương lai và con người mơ ước

- Thứ Hai, 19/11/2018, 07:37 - Chia sẻ
Nhật Bản là một trường hợp khá đặc biệt khi họ thể hiện tường minh thuật ngữ “Triết lý giáo dục” trong các bộ luật quan trọng về giáo dục, trong đó quan trọng nhất là Luật Giáo dục cơ bản. Triết lý đó bao gồm 2 thành tố: “Hình ảnh xã hội tương lai” và “hình ảnh con người mơ ước”.

>> Kỳ cuối: Không thể né tránh vấn đề cốt tử 

Vấn đề triết lý giáo dục đang được hâm nóng trở lại trên các diễn đàn lớn. Đây là điều tất yếu vì trong quá trình tiến hành cải cách giáo dục “căn bản và toàn diện”, Việt Nam sẽ cần phải sửa các bộ luật liên quan đến giáo dục và các bộ luật này phải thể hiện được đường hướng, đích đến cuối cùng của giáo dục. Kinh nghiệm từ Nhật Bản có thể là gợi ý tốt cho Việt Nam.

Luật Giáo dục cơ bản được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006, sau Lời nói đầu là “Chương I. Mục đích và triết lý giáo dục”. Mục đích giáo dục được bộ luật xác định là: Giáo dục phải nhằm hoàn thiện nhân cách con người và giáo dục nên quốc dân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần đồng thời có đầy đủ phẩm chất cần thiết với tư cách là người làm chủ xã hội - quốc gia hòa bình và dân chủ (Điều 1). Trên cơ sở mục đích lớn lao này, bộ luật cũng xác định “Mục tiêu của giáo dục” (Điều 2) với 5 mục tiêu cụ thể. Xin trích nguyên văn:

Điều 2. Giáo dục để thực hiện mục đích nói trên phải tôn trọng tự do học thuật đồng thời phải đạt cho được những mục tiêu sau:

a. Trang bị văn hóa và tri thức rộng rãi, giáo dục thái độ hướng tới chân lý, nuôi dưỡng đạo đức và tình cảm phong phú đồng thời rèn luyện thân thể khỏe mạnh.

b. Tôn trọng giá trị cá nhân, mở rộng năng lực cá nhân, nuôi dưỡng tính sáng tạo và tinh thần tự lập, tự chủ đồng thời coi trọng mối quan hệ với nghề nghiệp và cuộc sống, giáo dục thái độ tôn trọng lao động.

c. Tôn trọng chính nghĩa và trách nhiệm, bình đẳng nam nữ, tôn kính và hợp tác lẫn nhau đồng thời giáo dục thái độ tham gia vào xây dựng xã hội, đóng góp cho sự phát triển của xã hội một cách chủ động dựa trên tinh thần công cộng.

d. Có thái độ tôn trọng sinh mệnh, coi trọng tự nhiên và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.

e. Có thái độ tôn trọng truyền thống và văn hóa, yêu mến quê hương, đất nước chúng ta, nơi đã nuôi dưỡng những giá trị đó đồng thời giáo dục thái độ tôn trọn nước khác, đóng góp vào hòa bình và sự phát triển của cộng đồng quốc tế”.

Sau “Mục tiêu giáo dục” là các điều luật về “Triết lý học tập suốt đời” (Điều 3), “Bình đẳng cơ hội giáo dục” (Điều 4). Các bộ luật giáo dục khác như “Luật Giáo dục trường học” sẽ nhắc lại các nội dung này một cách cụ thể hơn trong phạm vi trường học.

Như vậy, ta có thể thấy, triết lý giáo dục của Nhật Bản được thể hiện rõ trong tên chương và nằm chủ yếu ở “Mục đích giáo dục” (mục tiêu cao cả, tối thượng của giáo dục, thứ giáo dục cuối cùng phải đi đến, đạt được có tính chất giống như là lý tưởng, hoàn hảo) và “mục tiêu giáo dục” (những mục tiêu cụ thể, đích đến cụ thể cần phải đạt được trên con đường tiến tới mục đích). Triết lý giáo dục này sẽ gồm hai bộ phận hay hai thành tố. Thứ nhất là “hình ảnh xã hội tương lai” hay “hình ảnh xã hội mơ ước”. Đây là xã hội mà nền giáo dục muốn tạo ra, hướng tới để xây dựng và bảo vệ nó. Ở đây, nó được xác định trong bộ luật là “xã hội - quốc gia hòa bình và dân chủ”. Đây là những đặc trưng cơ bản của xã hội được định hình trong Hiến pháp 1946 của Nhật (bản Hiến pháp có ba trụ cột chủ yếu: Hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền).

Thứ hai là “hình ảnh con người mơ ước”. Đó là những con người có khả năng tạo ra xã hội mới, những người mà nền giáo dục mới có nhiệm vụ tạo ra và cũng là người sẽ bảo vệ xã hội mơ ước ở trên. Đặc trưng của con người mơ ước này được “vẽ” ra cơ bản ở “Mục đích”. Đó là “quốc dân” (công dân) khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần đồng thời có đầy đủ phẩm chất cần thiết với tư cách là người làm chủ xã hội -quốc gia hòa bình và dân chủ”.

Những đặc trưng này tiếp tục được phác họa rõ hơn, cụ thể hơn ở phần “Mục tiêu” (Điều 2) nói trên về tri thức, thái độ, đạo đức, tình cảm, năng lực cá nhân, năng lực nghề nghiệp, trách nhiệm…

Đây cho dù là con người mơ ước, con người lý tưởng, con người cần được tạo ra trong tương lai nhưng không phải là con người “chân không” mà là con người cụ thể gắn liền với một xã hội được định hướng cụ thể. 

Nước Nhật chính thức bắt đầu cải cách giáo dục ở quy mô quốc gia theo mô hình của phương Tây để cận đại hóa đất nước một cách có hệ thống từ năm 1872 khi ban hành “Học chế”. Đây là văn bản quy định hệ thống trường học, nội dung giáo dục và cách thức tiến hành giáo dục cận đại theo mô hình phương Tây của Nhật Bản.

Từ 1872 - 1947 (thời điểm ban hành Luật Giáo dục cơ bản), hình ảnh “xã hội mơ ước” và con người mơ ước” của Nhật Bản đã thay đổi liên tục. Hình ảnh xã hội mơ ước trong 10 năm đầu thời Minh Trị là xã hội “khai sáng, thực nghiệp, phú quốc, cường binh”. Đấy là xã hội sẽ được dựng xây bởi các “quốc dân” có ý thức sâu sắc về sự độc lập của bản thân và quốc gia, có tinh thần khai sáng, học hỏi khoa học kỹ thuật của phương Tây để kiến tạo nước Nhật hùng mạnh, độc lập. Từ 1889 trở đi, xã hội mơ ước được phác họa là “Đại đế quốc Nhật Bản” là “hoàng quốc” mạnh về quân sự, giàu về kinh tế và có vị trí bá chủ ở Viễn đông. Con người được kỳ vọng từ nền giáo dục kiến tạo nên xã hội ấy là các “thần dân trung quân ái quốc”.

Như vậy, có thể thấy đã có một sự chuyển dịch mạnh mẽ và dứt khoát từ hình ảnh “đế quốc” sang “quốc gia hòa bình và dân chủ”, từ “thần dân trung quân ái quốc” sang “người công dân dân chủ” (người làm chủ) trong triết lý giáo dục của Nhật Bản.

Nguyễn Quốc Vương