Kosovo và giải pháp “made in Hong Kong”

19/02/2008 00:00

“Đơn phương tuyên bố độc lập là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”. Đó là đánh giá của ông Marcelo G.Kohen, giáo sư luật quốc tế của Viện IHEID ở Geneva. Ông G.Kohen đã có bài phân tích đăng trên tờ Le temps của Thụy Sỹ số ra ngày 18.2, trong đó ông cho rằng vẫn còn một giải pháp phù hợp cho Kosovo nếu nhìn vào mô hình của Hong Kong.

      Một số quốc gia châu Âu trong đó có Thụy Sỹ đã sẵn sàng đưa ra một quyết định khó khăn mà bản thân họ cũng ít nhiều nhận thức được hậu quả. Trước tuyên bố độc lập đơn phương của Chính quyền Albania đa số tại Kosovo, những nước này đã quyết định theo chân Mỹ, thừa nhận Nhà nước Kosovo mới mà không chờ đợi sự tín hiệu đèn xanh của Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan duy nhất được phép thay đổi một chế độ hành chính quốc tế đang tồn tại.
      Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nghị quyết 1244 của HĐBA thừa nhận một cách rõ ràng rằng Kosovo là một phần lãnh thổ của Serbia, đặt dưới sự thác quản quốc tế. Hiến chương LHQ đã quy định rõ mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết, và không một quốc gia nào được áp đặt ý chí của mình lên quốc gia khác. Nguyên tắc tự quyết này càng quan trọng đối với những vấn đề liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền. LHQ cũng không có bất kỳ một nghị quyết nào cho phép một nhóm dân tộc trong một quốc gia được sở hữu quyền tự quyết này. Chính vì vậy, Serbia hoàn toàn có quyền cáo buộc những nước thừa nhận Kosovo là vi phạm những cam kết quốc tế về không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.
      Sự kiện tại Kosovo là hệ quả của một chính sách thất thường mà EU áp dụng từ hơn một thập kỷ qua, mở đầu bằng việc tổ chức này vội vã thừa nhận độc lập của Croatia khi Croatia tách khỏi Liên bang Nam Tư năm 1992. Chính sách của EU được tiếp tục nuôi dưỡng trong nhiều năm và những tội ác tiếp tục được thể hiện tại Hội nghị Rambouillet, khi EU ngay lập tức đứng về phe Mỹ, yêu cầu đưa quân đội NATO đến Serbia, điều mà từ nhà lãnh đạo độc tài nhất của Serbia như Milosevic cho đến những nhà lãnh đạo dân chủ hơn của phe đối lập đều không thể chấp nhận. Điểm dừng chân cuối cùng của chính sách này là việc EU ủng hộ kế hoạch của Đặc phái viên LHQ tại Kosovo Ahtisaari. Một kế hoạch độc lập không hơn không kém, dù hai tính chất độc lập đã được làm nhẹ đi bằng cụm từ “hướng tới nền độc lập có kiểm soát”.
      Trong khi đó, bản thân LHQ lại theo đuổi một quan điểm lập lờ. Một mặt, họ vẫn nhấn mạnh đến nguyên tắc tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Serbia, mặt khác, họ lại cai quản Kosovo theo cái cách mà đa số người Albania tưởng lầm sẽ là tiền đề của một nền độc lập trong tương lai. Quyết định của Kosovo tách khỏi Serbia cũng cho thấy sự thất bại của Chính quyền bảo hộ LHQ trong việc xây dựng một Kosovo đa sắc tộc cũng như bảo đảm cho người dân nơi đây được hưởng những quyền cơ bản. 
      Việc các nước nhanh chóng thừa nhận nền độc lập tự xưng của Kosovo mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào đang tiềm tàng những nhân tố bất ổn, không chỉ đối với khu vực mà đối với bất kỳ quốc gia đa sắc tộc nào trên thế giới. Trước hết ở Balkan, người ta có thể tiếp tục chứng kiến bán đảo này bị xé nhỏ thành nhiều mảnh. Cộng đồng quốc tế sẽ khó xử trước một Nhà nước độc lập mạo xưng. Còn những quốc gia vội vã công nhận độc lập của Kosovo sẽ há miệng mắc quai khi phải thuyết phục Cộng hòa Serbia của Liên bang Bosnia Hezegovina rằng họ không có quyền tự định đoạt số phận của họ như cái cách mà Pristina đã làm. Các quốc gia khác của châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, cũng khó ăn khó nói nếu một ngày nào đó, đảo Corse của Pháp, xứ Catalonia hay xứ Basque của Tây Ban Nha đòi quyền độc lập. Còn với Ottawa, họ sẽ không có bất kỳ cơ sở nào để giải thích cho quyết định của Tòa án Tối cao Canada rằng, ngay cả khi Quebec tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế độc lập của tỉnh nói tiếng Pháp này, thì họ cũng không được tự tuyên bố ly khai nếu không được sự chấp thuận của Chính quyền Trung ương và những thực thể còn lại trong liên bang.
      Vẫn còn kịp để các nước quay trở lại với một chính sách dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế bởi có một giải pháp vừa bảo đảm thỏa mãn những tiêu chí về pháp lý vừa bảo đảm đáp ứng những nhân tố về chính trị. Tại sao không áp dụng cho Kosovo mô hình mà Vương quốc Anh và Trung Quốc từng nhất trí trao cho Hong Kong năm 1984: Quy chế một tỉnh tự trị đặc biệt, có Chính phủ riêng, chế độ chính trị riêng, thậm chí được hưởng quyền tham gia hạn chế một số tổ chức quốc tế. Quy chế này cho phép Kosovo vẫn được hưởng quyền độc lập trên thực tế nhưng bảo đảm về mặt lý thuyết tỉnh này vẫn là một phần của Serbia. Tất nhiên, giải pháp trên không hoàn toàn thỏa mãn Chính quyền Belgrade bởi một quy chế tự trị như vậy sẽ rộng rãi hơn nhiều so với quy chế liên bang. Và tất nhiên, nó cũng không hoàn toàn là những gì mà Chính quyền Pristina mong muốn bởi từ trước tới nay họ vẫn mơ tới độc lập - từ độc lập với nghĩa đầy đủ cả về lý thuyết và thực tế. Tuy nhiên, họ có thể sẽ phải sẵn sàng chấp nhận nếu EU và Mỹ cùng gây sức ép. Vấn đề lúc này là ở chỗ Brussels và Washington có sẵn sàng thay đổi những tuyên bố của mình về việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, hay tiếp tục muốn chứng tỏ rằng luật pháp sẽ được áp dụng một cách có chọn lựa...

Tú Khôi (Theo Le Temps)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kosovo và giải pháp “made in Hong Kong”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO