Kosovo ở Trung Á
Chủ nghĩa dân tộc đang hồi sinh tại Kyrgyzstan, thể hiện qua tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng người Kyrgyz và người Uzbek thiểu số. Giới quan sát không khỏi lo ngại nguy cơ bùng nổ cuộc chiến sắc tộc mới tại quốc gia Trung Á này chỉ sau 10 tuần chao đảo vì bạo lực sắc tộc. Tình trạng này đang biến Kyrgyzstan trở thành một Kosovo mới và biến Trung Á thành Balkan thứ 2.

Giới chức phương Tây nhận định những gì đang diễn ra tại Kyrgyzstan là dấu hiệu cho thấy những nguy cơ bất ổn mới, một đợt sóng ngầm mới có thể lan sang các nước khu vực. Khó có thể nói rằng một ban lãnh đạo mới được bầu ra sau tháng 10 với thành viên là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ là sự lựa chọn đúng đắn.
Kể từ sau vụ binh biến hồi tháng 4 vừa qua lật đổ chế độ của Tổng thống Kurmanbek Bakiyev, quốc gia Trung Á rơi vào một cuộc nồi da nấu thịt giữa hai cộng đồng dân cư lớn. Hy vọng về một chính phủ tạm quyền dưới sự lãnh đạo của nhà ngoại giao Roza Otunbayeva có thể giúp ổn định tình hình trong nước đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết sau khi bùng nổ cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài 4 ngày hồi tháng 6 vừa qua giữa hai cộng đồng sắc tộc Kyrgyz và Uzbek mà cái giá là hàng trăm sinh mạng của người dân vô tội.
Chuyên gia Azhdar Kurtov thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng, điểm lại lịch sử, mối hiềm khích giữa người Kyrgyz và Uzbek lúc thì bùng lên lúc thì dịu đi. Ở nước cộng hòa này luôn có những thế lực âm mưu phá hoại tình hình ổn định. Vì mục đích chính trị, họ đang thổi phồng xung đột trên cơ sở sắc tộc để mọi người thấy rằng Chính phủ lâm thời không đủ khả năng kiểm soát tình hình. Theo các nhân chứng, có những nhân vật chuyên thổi phồng sự hằn thù sắc tộc bằng cách kích động người Kyrgyz đập phá nhà cửa của người Uzbek.
Mâu thuẫn giữa cộng đồng Kyrgyz và Uzbek tại Kyrgyzstan không phải là mới mẻ. “Mới” ở đây có chăng là đất nước đang trong giai đoạn quá độ, người dân bất mãn với chính phủ của Kurmanbek Bakiyev, đất nước nghèo đói, là môi trường lý tưởng để những mâu thuẫn ngấm ngầm lâu nay bùng phát. Thực tế đường biên giới và phạm vi lãnh thổ của Kyrgyzstan đã được xác định rõ ngày đầu của Liên bang Xô Viết. Cho tới thời điểm trước Liên bang Xô Viết tan rã, cộng đồng người Uzbek vẫn chiếm đa số tại các thành phố miền Nam như Osh, trong khi các cộng đồng dân cư Kyrgyz ưa lối sống du mục bắt đầu từ bỏ các triền núi, đổ về các thành phố. Trong gần hai thập kỷ sau khi xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc hồi năm 1990, cộng đồng người Uzbek thiểu số gần như bị loại khỏi đời sống chính trị của Kyrgyzstan. Không có tiếng nói trên chính trường, bù lại, các thương nhân Uzbek lại khẳng định vị thế của mình trên thương trường, cộng đồng này ngày càng giàu lên và bắt đầu len lỏi, chi phối các vấn đề chính trị. Cũng có những phàn nàn rằng người Uzbek bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, và đây là một trong những nguyên nhân thổi bùng ngọn lửa bạo loạn.
Dù cho chính quyền trung ương nỗ lực để nhanh chóng ổn định tình hình, song, “phép vua thua lệ làng”, nhận thức của ban lãnh đạo mỗi địa phương, mỗi thành phố lại có sự khác biệt mà cấp trung ương khó lòng kiểm soát. Những sự kiện tháng 6 là ví dụ điển hình. Theo giới phân tích, chính quyền thành phố Osh đã công khai chính sách chống và trừng trị người Uzbek.
Tốc độ lan rộng của tình trạng bạo lực sắc tộc ở Osh và Jalal-Abad, một thành phố khác nằm ở miền Nam, đã làm dấy lên những nghi ngờ về lòng trung thành của các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Từ thực tế này, giới phân tích lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột trên cơ sở sắc tộc ở Kyrgyzstan có thể lan sang những nước lân cận. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy đất nước Uzbekstan láng giềng sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Ở nước này chắc hẳn sẽ có những người cảm thấy rất bức xúc và yêu cầu phải cứu giúp đồng bào người Uzbekstan ở Kyrgyzstan. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ bùng nổ cuộc xung đột liên quốc gia.