Kon Plông sẵn sàng cho ngày hội non sông

- Thứ Bảy, 22/05/2021, 06:09 - Chia sẻ
Vượt hơn 350km từ huyện biên giới Buôn Đôn (Đắk Lắk), qua những cung đường đẹp nhất của Tây Nguyên đại ngàn, chúng tôi đến huyện Kon Plông (Kon Tum) vào một ngày nắng rực rỡ và không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến diệu kỳ của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trên cung đường Đông Trường Sơn huyền thoại. Trên những chặng đường đèo quanh co hiểm trở để đến các xã Măng Cành, Đắk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring… hàng trăm lá cờ Tổ quốc đỏ tươi bay phấp phới trong gió, pa - nô, áp phích rực rỡ giữa những cánh rừng đại ngàn. Đồng bào dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm, Ka Dong… đều hân hoan đón chờ ngày hội non sông đang đến gần.

Nhất định sẽ đi bỏ phiếu

Khởi hành từ sáng sớm ở thị trấn Măng Đen, chúng tôi vượt gần 40km đường đèo về phía Đông, nhiều đoạn cua tay áo nguy hiểm và liên tục có điểm sạt lở mới tới được UBND xã Đăk Tăng, một trong các xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Nết đã gắn bó 10 năm với địa bàn này, có nụ cười hiền lành, vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại một thôn xa nhất bằng xe máy, cho biết: “Cả xã có 975 cử tri, tới 98% là đồng bào dân tộc Xê Đăng, địa hình rừng núi bị chia cắt, đèo dốc, thôn xa nhất cách UBND xã tới 18km. Bởi vậy công tác chuẩn bị và giám sát, kiểm tra cho ngày bầu cử rất vất vả nhưng lãnh đạo xã xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên đã tập trung chỉ đạo sâu sát, để xã đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình, tiến độ và đúng quy định của pháp luật về bầu cử”.

	Các cô giáo trường mầm non xã Đăk Tăng tham khảo thông tin các ứng cử viên tại khu vực bầu cử số 2 thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon plong
Các cô giáo trường mầm non xã Đăk Tăng tham khảo thông tin các ứng cử viên tại khu vực bầu cử số 2 thôn Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Hằng, hàng ngày vượt 40km đường đèo từ nhà bằng xe máy đến trụ ở để làm việc, tâm sự: “Do đồng bào thường lên nương rẫy xa nên chúng tôi chú trọng tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị của xã, họp thôn, xây dựng các cụm pano, áp phich, băng rôn, khẩu hiệu tại trục đường trung tâm, cụm thôn. Ngoài hệ thống truyền thanh của xã, đội tuyên truyền lưu động hàng ngày chở loa đài bằng xe máy, vượt 30 -  40km để kịp thời tuyên truyền tới từng hộ gia đình. Nhờ vậy, cuộc bầu cử đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng và là ngày hội của các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc trong xã”.

Chúng tôi có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 2 thôn Vi Xây và xúc động khi trời vừa nắng nóng nhưng lại sầm sập ngay một cơn mưa rừng. Phó Chủ tịch xã A Hùng và các giáo viên trường mầm non Đắk Tăng vẫn đang kiểm tra kỹ càng khu vực hòm phiếu, cờ Tổ Quốc, tượng Bác Hồ và chuẩn bị những thùng nước sát khuẩn. Cô giáo mầm non Y - Phết, người dân tộc Xê Đăng, có đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu bộc bạch: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào Xê Đăng ở đây đã được hưởng nhiều chính sách phát triển kinh tế. Mức thu nhập hàng tháng của em đã tăng dần và đến nay đạt 8 triệu đồng mỗi tháng, em rất phấn khởi. Để có được ngày hôm nay cũng nhờ tiếng nói của những người đại biểu dân cử. Dù lội suối trèo đèo, chúng em nhất định sẽ vận động bà con cùng đi bầu cử”.

Cô giáo Hồ Thị Chính, 42 tuổi, Hiệu phó Trường Mầm non Đắc Tăng, hàng tuần đi xe máy gần 100km từ thành phố Kon Tum lên ngôi trường mầm non vùng sâu, vùng xa này để giảng dạy, công tác tâm sự: “Tôi mong muốn các đại biểu đắc cử sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào những quyết sách trong tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa”.

Kon Plông sẵn sàng cho ngày hội lớn

Từ xã Đắk Tăng chúng tôi quay về Măng Đen, trung tâm hành chính của huyện Kon Plông với cung đường còn nhiều đoạn sạt lở, ổ gà. Với độ cao 1.200m so với mực nước biển, Kong Plông quanh năm se lạnh, lãng đãng sương mù, những con dốc quanh co, màu xanh của thông, của mặt hồ như một bức tranh về miền cổ tích.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Kon Plông là vùng căn cứ cách mạng của Khu 5 và Kon Tum góp phần thiết lập nên hành lang liên lạc Bắc - Nam chiến lược, một trong những địa điểm tập kết lực lượng của các đơn vị bộ đội chủ lực nhằm chi viện cho chiến trường. Cùng với thắng lợi tại các cứ điểm Đăk Pét, Măng Bút, Chiến thắng Măng Đen đã góp phần mở rộng vùng giải phóng đến sát thị xã Kon Tum. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2005, huyện Kon Plông vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Tại trung tâm Tượng đài Chiến thắng Măng Đen, biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân địa phương, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, cổng chào thật rực rỡ đón chào ngày hội non sông sắp đến.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử huyện Kon Plông Y Thị cho biết, trong thời gian từ ngày 11-18.5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện đã tổ chức 27 hội nghị tiếp xúc với cử tri. Trong đó, tổ chức 5 hội nghị tiếp xúc cử tri dành cho các ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; 22 hội nghị tiếp xúc cử tri dành cho ứng cử viên đại biểu HĐND huyện và các xã, thị trấn. UBND huyện Kon Plông đã ra quyết định phê chuẩn khu vực bỏ phiếu cho 1 thị trấn và 8 xã, chỉ đạo ủy ban bầu cử các xã, thị trấn thành lập 65 tổ bầu cử.

Bà con đồng bào dân tộc Xê Đăng ở xã Đăk Tăng treo cờ chào đón ngày bầu cử 23.5

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, số đại biểu HĐND huyện Kon Plông được bầu là 30 đại biểu, số đại biểu HĐND các xã và thị trấn Măng Đen được bầu là 176 đại biểu. Huyện đã triển khai chu đáo công tác tuyên truyền về bầu cử, công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến từng đơn vị bầu cử.

Mới đây, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kon Tum sau khi làm việc với huyện Kon Plông về công tác chuẩn bị bầu cử đã nhận xét, công tác chuẩn bị cuộc bầu cử ở tất cả xã và thị trấn thực hiện rất tốt, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ở cơ sở trong huyện đã quán triệt đầy đủ tinh thần triển khai cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, khách quan, thể hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri đối với lá phiếu của mình trong việc lựa chọn những người có đức, có tài.

Chia tay huyện miền núi Kon Plông để tiến về Gia Lai, chúng tôi thật xúc động với tình cảm và sự tận tình mà lãnh đạo huyện đã dành cho phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân những chuyến đi thực tế thật ý nghĩa. Dẫu vẫn còn nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, song được tỉnh Kon Tum chọn là một trong ba vùng kinh tế động lực, chính quyền và người dân huyện Kon Plông đang nỗ lực từng ngày để xứng đáng với niềm vinh dự đó. Và rằng, công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành chu đáo, thận trọng, công khai, đúng thành phần cơ cấu và hợp “ý Đảng, lòng dân” là một minh chứng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở Kon Plông.

Hoàng Anh, Tuyết Nhung