Kịp thời và hợp lòng dân

- Thứ Ba, 03/08/2021, 05:10 - Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy", trong Công điện 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhất quán là tập trung chống dịch nhưng cũng cần thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ về đời sống và y tế.

Ngay sau đó là một loạt chính sách được ban hành như giảm tiền điện, giảm giá điện; cùng với đó là đề xuất điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68/NQ-CP  ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19) đang tích cực được triển khai thì việc có thêm chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, không ít đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, 2 năm qua là thời gian Chính phủ và người dân đồng lòng, chung sức vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh. Thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn người dân đã và đang phải gánh chịu, dù kinh tế đất nước còn nghèo, nguồn lực lại hạn chế, Chính phủ một mặt kêu gọi sự sẻ chia từ cộng đồng, doanh nghiệp, một mặt bằng những nỗ lực của mình liên tục có những chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... 

Có thể kể đến Nghị quyết 42/NQ-CP với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp, tuy chưa được như mong muốn nhưng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó, riêng ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 13.000 tỷ đồng. Với đợt dịch lần thứ 4 này, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động cũng được ban hành và chỉ sau 15 ngày, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương, kịp thời triển khai nghị quyết. 

Gần đây nhất là Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 4 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - quyết sách kịp thời và đúng đắn nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chính sách hỗ trợ đã phần nào giúp nhiều gia đình bớt đi gánh nặng; động viên, khích lệ tinh thần người dân cùng nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh. 

Không dừng lại ở đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn giảm phí dịch vụ, với thời gian áp dụng từ ngày 1.8 đến 31.12.2021.

Có thể nói, các chính sách rất thiết thực và phù hợp nêu trên không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Hơn hết, những chính sách đó còn tạo ra sự lan tỏa, mang tới hiệu ứng tích cực để mỗi địa phương có cách làm riêng, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”. 

Đó là “Tổng đài dã chiến” được đặt tại phòng họp của Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Bình, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Hoạt động 24/24 giờ với 20 điện thoại viên kết nối bằng điện thoại di động, thông qua đường dây nóng, thông tin của người dân gặp khó khăn sẽ được chuyển về cho Chủ tịch xã nơi người đó đăng ký hộ khẩu để thẩm định, động viên, thăm hỏi. Trên cơ sở kết quả xác minh và đối chiếu, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho hộ gia đình hoặc cá nhân không có hộ gia đình qua đường bưu điện. Hay tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều siêu thị 0 đồng, ATM gạo, bình trà đá miễn phí, quán cơm 0 đồng, cửa hàng rau miễn phí… được mở rộng và duy trì, giúp cho người dân gần nhau hơn trong nghĩa cử đồng bào. 

Những quyết sách hợp lòng dân cho thấy rõ sự chia sẻ, thấu hiểu, có trách nhiệm của Chính phủ với Nhân dân để muôn người một ý chí, đồng lòng với Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đỗ Quyên