Kịp thời và hiệu quả

- Thứ Năm, 22/07/2021, 10:10 - Chia sẻ
Một trong 12 chính sách nằm trong gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội là giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện xong.

Theo đó Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp, số tiền giảm đóng tạm tính khoảng 4.300 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh địa phương giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu lao động, tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp, 1,4 triệu lao động, kinh phí hơn 640 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai có gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 lao động, tương ứng 330 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh... cũng thuộc nhóm được hỗ trợ tương đối lớn.

Như vậy, chỉ sau hơn 20 ngày Chính phủ quyết định triển khai gói an sinh, một trong 12 chính sách hỗ trợ đã hoàn tất. Còn nhớ, khi phát biểu tại buổi họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chia sẻ: Mấy ngày qua, Bộ cùng Chính phủ và các bộ, ngành đã cố gắng cao nhất để đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống. Cả Bộ trưởng và chuyên viên đều phải "vừa chạy vừa xếp hàng" để đưa gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đến tay người dân. Và đến nay, nỗ lực này đã có kết quả đáng khích lệ.

Đó là việc các cơ quan chức năng đã nhìn rõ được những tồn tại, hạn chế khi triển khai triển khai gói hỗ trợ lần 1 trị giá 62.000 tỷ đồng. Nên khi triển khai gói hỗ trợ này, điều các cơ quan đặc biệt lưu tâm là đơn giản hóa tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian với phương châm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng nhất. Như ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là thời gian để tiếp cận có thể nói là "cuộc cách mạng" táo bạo.

Dịch bệnh đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Vậy nên bên cạnh việc ban hành chính sách kịp thời của Nhà nước, điều quan trọng là quá trình triển khai cần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

Việc triển khai gói hỗ trợ lần 1 trị giá 62.000 tỷ đồng đã nảy sinh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập dẫn đến việc sau hơn một năm triển khai mới chỉ giải ngân được trên 13.100 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là do thời gian nghiên cứu, ban hành chính sách ngắn nên quá trình đánh giá tác động, lấy ý kiến góp ý chưa thực sự đầy đủ, chưa sát thực tiễn. Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, một số nơi thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót...

Trung Hiếu