Kịp thời lấp "lỗ hổng" cách ly

- Thứ Tư, 05/05/2021, 07:00 - Chia sẻ
Trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly tại tỉnh Yên Bái hay bệnh nhân 2899 tại Hà Nam không tuân thủ biện pháp cách ly, cùng sự lỏng lẻo trong giám sát sau cách ly đã khiến dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương. Bài học đắt giá này cho thấy, nếu muốn kiểm soát dịch hiệu quả, phải lấp 'lỗ hổng" cách ly càng sớm càng tốt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra việc cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2
Nguồn: Bộ Y tế

Thiếu chặt chẽ trong quản lý

Sự việc 4 người Ấn Độ mắc Covid-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái - nơi chuyên gia cách ly đã cho thấy, có sự chưa chặt chẽ trong quy trình quản lý người cách ly. Cùng với đó là việc nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày, theo quy định sau khi được đưa về công ty, cần phải tiếp tục được chính quyền địa phương giám sát sức khỏe thêm 14 ngày nữa mới được coi là kết thúc quá trình cách ly. Thế nhưng, các chuyên gia này đã đi khắp nơi từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến Tân Uyên (Lai Châu), sang Sapa (Lào Cai) và về Vĩnh Phúc. Đến khi về nước, chuyên gia được xác định dương tính với SARS-CoV-2. 

Trước đó, tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn với UBND tỉnh Yên Bái về công tác phòng, chống dịch tại địa phương này, các chuyên gia của Bộ Y tế đã chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý tại khu cách ly và người cách ly ở địa phương này như cơ sở chưa có biện pháp hiệu quả để giảm tiếp xúc giữa những người đang cách ly tại đây; chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành. Cùng với đó, tại khu cách ly tập trung, việc bố trí phòng đệm chưa phù hợp, chưa trang bị đầy đủ cho người cách ly; chưa có phương án xử trí khi có trường hợp dương tính; chưa phân định, sắp xếp rõ ràng các nhóm nguy cơ trong khu cách ly. Ngoài ra, quy trình lưu giữ chất thải, lây nhiễm chưa đúng quy định, công tác giám sát sau 14 ngày cách ly tập trung cũng chưa tốt.

Hơn nữa, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đôi khi người đứng đầu cơ sở cách ly tập trung vẫn còn chưa nắm rõ quy trình cách ly cùng các yêu cầu trong công tác cách ly do ngành y tế ban hành. Theo đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã lưu ý địa phương cần phải khắc phục những tồn tại trên. Để xảy ra ca bệnh trong khu cách ly của tỉnh Yên Bái là bài học cho các địa phương khác.

Cần tuân thủ biện pháp cách ly

Các chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, chùm lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ bệnh nhân 2899 ở tỉnh Hà Nam cũng cho thấy bài học về quản lý, giám sát những trường hợp cách ly tại cộng đồng. Quá trình lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân này sang các trường hợp khác cho thấy tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường; các ca bệnh đã đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Huy Nga cho biết, bệnh nhân 2899 tại Hà Nam đã không thực hiện đúng quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly tại địa phương làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi. Trước đó, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về bảo đảm an toàn trong cả khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Trong đó, với người cách ly tại nhà đã có quy định chi tiết như phải ở phòng riêng, không tiếp xúc với người bên ngoài, đồ ăn uống được mang vào phòng, không tiếp xúc với ai trong vòng 14 ngày… Tuy nhiên, bệnh nhân khi về cách ly tại gia đình vẫn gặp gỡ, ăn uống, tiếp xúc với người nhà, bạn bè.

“Người trong diện tự cách ly tại nhà, khi trở về nơi cư trú phải khai báo với địa phương để được quản lý, giám sát. Chính quyền cũng có trách nhiệm vì đã không không giám sát chặt, quản lý nghiêm với người cách ly theo quy định. Trường hợp bệnh nhân 2899 là bài học cho tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp cách ly, nếu không sẽ làm lây lan dịch ra cộng đồng, rất nguy hiểm”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Ngăn chặn bằng nhiều biện pháp

Theo các chuyên gia y tế, hiện không chỉ có Việt Nam mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều quy định thời gian cách ly là 14 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch. Điều này dựa trên cơ sở quá trình phát triển của virus trong cơ thể người, để bảo đảm tránh nguy cơ lây nhiễm tốt nhất. Trong bối cảnh hiện nay, mầm bệnh có thể vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng; nhiều người dân chủ quan, lơ là, bất chấp các khuyến cáo vẫn tụ tập đông đúc tại các điểm vui chơi, bãi biển… dễ khiến dịch Covid-19 lây lan rộng.

Trước tình trạng một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với virus SASR-CoV-2, làm lây lan dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đề nghị các địa phương tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) tất cả trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính). Thời gian bắt đầu thực hiện từ 00 giờ ngày 4.5.2021, cho tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cục Y tế dự phòng đề nghị các Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố thông báo thực hiện nghiêm tại địa phương.

Ngoài vấn đề quản lý khu cách ly tập trung của cơ quan chức năng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khâu tổ chức, giám sát và ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam là vô cùng quan trọng. Theo quy định, sau khi cách ly tập trung 14 ngày, công dân Việt Nam và chuyên gia người nước ngoài đều được yêu cầu thực hiện "5K", đặc biệt áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác nếu không cần thiết; khai báo y tế đầy đủ. Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ, sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra. Việc đi uống bia rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang, đã vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp cách ly tập trung. 

Đỗ Quyên