Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Kịp thời khắc phục vướng mắc

- Thứ Năm, 15/04/2021, 18:14 - Chia sẻ
Hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát góp phần hạn chế khiếu nại về bầu cử. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng nay (15.4).

Người tự ứng cử ở địa phương không nhiều, được ứng xử bình đẳng

Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, kết quả sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, một số tỉnh có số lượng người ứng cử so với số đại biểu được bầu đạt tỉ lệ cao như: Thái Nguyên: 2,86 lần; Quảng Ninh: 2,5 lần; Bắc Ninh: 2,43 lần... Tuy vậy, vẫn có một số tỉnh tỷ lệ khá thấp như: Lai Châu: 1,67 lần; Đồng Nai: 1,75 lần; Bình Phước: 1,83 lần…; đại biểu HĐND cấp tỉnh, một số tỉnh có số lượng người ứng cử so với số đại biểu được bầu đạt tỉ lệ cao như: Quảng Ninh: 2,5 lần; Phú Thọ: 2,1 lần… nhưng một số tỉnh tỷ lệ khá thấp như: Bình Phước 1,65 lần; Kon Tum: 1,67 lần; Đồng Nai, Lai Châu: 1,68 lần.

Toàn cảnh hội nghị sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh

Ngoài ra, một số địa phương có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV như: Vĩnh Phúc 2 người, Bình Dương 2 người, Bắc Ninh 1 người, Đồng Nai 1 người; một số địa phương có người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh như: Bình Dương 4 người, Đồng Nai 2 người; Vĩnh Phúc 1 người, Quảng Ninh 1 người.

Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn công tác bầu cử vào ngày 22.1 với hơn 8.500 đại biểu tham dự tại 64 điểm cầu trên cả nước, Hội nghị tập huấn công tác giám sát bầu cử bầu cử ngày 23.2 với hơn 7.600 đại biểu tham dự.

Như vậy, “người tự ứng cử ở các địa phương không nhiều và được ứng xử dân chủ, bình đẳng, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử”, ông Vượng khẳng định.

Qua kiểm tra, giám sát (đợt 1) công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, đúng luật. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Việc xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; phát huy tốt hình thức hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng quy định. Việc lập hồ sơ, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử đảm bảo đúng thời gian. Công tác tuyên truyền bầu cử được quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả và có nhiều điểm mới, sáng tạo.

Tuy vậy qua thực tế kiểm tra, giám sát, Đoàn công tác cũng nhận thấy còn có một số vướng mắc. Đó là một số cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp mới được kiện toàn sau sáp nhập xã, sáp nhập khu dân cư (nhất là sau Đại hội Đảng) chưa có kinh nghiệm tham gia công tác bầu cử nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện công tác bầu cử, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng tham mưu trong công tác bầu cử, đặc biệt là tại các khu dân cư. Một số văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử của Trung ương xuống tới địa phương còn chậm…

Góp phần hạn chế khiếu nại về bầu cử

Nhấn mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, mục đích của kiểm tra, giám sát nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử. Qua đó, hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Quá trình giám sát đã phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực. Ảnh: Quang Vinh

Theo dự kiến, đợt giám sát thứ hai gồm Đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến thời gian giám sẽ diễn ra từ ngày 20.4 – 22.5.2021.

Ông Ngô Sách Thực cho biết, đến thời điểm này, các công việc của bầu cử cũng như các công việc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia công tác bầu cử đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Công tác hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời. 

Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên toàn quốc đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực. Ông Ngô Sách Thực cho rằng bài học kinh nghiệm bước đầu qua việc giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.

“Lịch công tác giám sát đợt 1 vừa qua ở 16 tỉnh, thành phố của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được sắp xếp để cơ bản không trùng với lịch các Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại về bầu cử”, ông Ngô Sách Thực nhận định.

Để bảo đảm cho công tác bầu cử an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật, các địa phương cần tập trung sớm giải quyết các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không nên để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là ở những nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực lưu ý.

Hà An