Quốc hội thảo luận trực tuyến về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn

- Thứ Tư, 27/10/2021, 17:12 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến chiều nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp hơn.

Dịch bệnh Covid - 19 làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT 

BHYT là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo BHYT toàn dân, tính đến ngày 31.12.2020 số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 2,23 triệu người (1,75%) so với năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 68. Tính đến hết ngày 31.8.2021, tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu người, giảm 0,53 triệu người so với năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so với năm 2020 (tương ứng với 3,1%). 

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ số người tham gia BHYT phần lớn là do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, các địa phương đều gặp khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định. Cùng với đó, Luật BHYT còn thiếu quy định, chế tài cụ thể áp dụng với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng nhưng không tham gia (học sinh, sinh viên, hộ gia đình)…

Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là, do ảnh hưởng của việc triển khai thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ vùng III sang vùng II hoặc về vùng I thì các đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT không được hưởng chính sách nữa, hoặc bị cắt đột ngột làm cho người dân gặp khó khăn trong quá trình đi khám chữa bệnh, hoặc không có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân giảm, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 90%, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 89%... 

ĐBQH Phạm Đình Thanh (KonTum) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Phạm Đình Thanh (KonTum) cũng cho rằng, khi Thủ tướng ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, số người được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 72/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giảm với số lượng tương đối lớn. Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, tới tháng 8.2021, cả nước có khoảng 4 triệu người không được nhà nước tiếp tục hỗ trợ BHYT.

Quá trình khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho thấy, trong số những người không được nhà nước hỗ trợ BHYT, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn và không thể tự mua BHYT cho cá nhân, gia đình. Đặc biệt, chủ yếu lại rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng Tỉnh Kon Tum có 51.863 người không còn được nhà nước hỗ trợ BHYT thì có đến 49.356 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 95%. 

Từ thực tế này, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát để đánh giá đúng thực trạng tình hình, kịp thời ban hành các chính sách phù hợp nhằm giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn trong cuộc sống không có khả năng mua BHYT.  

Thêm vào đó, các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT. Các Bộ, ngành cũng cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Chính phủ cũng cần sớm chỉ đạo trình Quốc hội Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.

Ảnh: Quang Khánh

Tăng cường y tế cơ sở

Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Tri Thức nhận định, vừa qua, chúng ta vẫn chưa quan tâm và khai thác hết hiệu quả trạm y tế xã. Nghị quyết 68/2013/QH13 đã đặt ra mục tiêu nâng cấp trạm y tế xã nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Thời gian qua khi ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19, y tế cơ sở đã phát huy vai trò rất quan trọng, nhất là các trạm y tế xã tại các vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để phát triển trạm y tế xã. Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng danh mục thuốc ở trạm y tế xã để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có quy định về việc đóng, hỗ trợ đóng BHYT hay hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua BHYT đối với lực lượng công nhân, lao động. Do đại dịch Covid-19, rất nhiều công nhân, lao động đã có sự gián đoạn trong việc mua BHYT do công ty trốn đóng cũng như một số doanh nghiệp giải thể… Sự gián đoạn này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và chẳng may nếu như họ bị bệnh trong thời gian không đóng BHYT thì sẽ vô cùng khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, theo quy định của BHYT, nếu bị gián đoạn 3 tháng không đóng BHYT rồi mua lại thì bảo hiểm được mua lại sẽ được tính lại từ đầu, do đó, Chính phủ cần xem xét vấn đề này để bảo đảm cho lực lượng lao động.

Hồ Long