Chưa phát huy hết tiềm năng
Theo số liệu củaTổng cục Hải quan, năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 97 tỷ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 10 năm gần đây, xuất khẩu sang Mỹ dao động 1,5 tỷ USD - 2,1 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ trọng 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra… Việt Nam cũng là đối tác nhập khẩu củacác nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…
Mỹ nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, giống các ngành hàng khác, thủy sản cũng có những rào cản kéo dài nhiều năm với thị trường này như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và mới đây là thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu. Chính những rào cản về thuế quan khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chưa phát huy hết tiềm năng.
Lợi thế trong các vụ kiện
Trong bối cảnh như vậy, “thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành thủy sản”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông củaVASEP cho biết.
Cũng theo bà Lê Hằng, trong tiến trình Chính phủ Việt Nam đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, VASEP đã phối hợp tích cực trong việc chuẩn bị có các thông tin và lập luận gửi DOC nhằm tác động DOC công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường.
Hiện có 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dự kiến vào tháng 7.2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. “Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp trong thời gian tới. Ngoàira, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước”, Giám đốc Truyền thông của VASEP phân tích.
ÔngHồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta,cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ nói chung và của Sao Ta nói riêng chỉ tăng trưởng nhẹ. Nếu Mỹ chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường nàychắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh.
TheoBộ Công Thương, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc công nhận này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.