Doanh nghiệp đãkín đơn hàng quý I
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, khép lại phiên giao dịch ngày 22.1, giá cà phê Arabica tăng mạnh 3,83%, lên mức cao nhất trong ba tuần, đạt 4.238 USD/tấn; còn giá cà phê Robusta tăng 2,94%, đạt 3.220 USD/tấn - mức cao nhất trong 16 năm qua. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, lo ngại căng thẳng biển Đỏ leo thang làm gián đoạn hoạt động cung ứng giữa các nước sản xuất và tiêu thụ Robusta hàng đầu thế giới đã đẩy giá loại cà phê này tăng mạnh.
Trong tuần qua, tình hình xung đột trên biển Đỏ trở nên nghiêm trọng với sự tham gia của Mỹ và Anh. Điều này khiến thị trường lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển giữa các quốc gia châu Á như Việt Nam, Indonesia với các thị trường tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và châu Âu bị gián đoạn. Khi đó, khả năng xảy ra khan hiếm nguồn cung cục bộ cao, đặc biệt khi các nước nhập khẩu chưa thể tìm được nguồn hàng thay thế từ các quốc gia sản xuất khác, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định.
Ở trong nước, giá cà phê ngày 23.1 tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt tăng 500 đồng/kg, dao động từ 72.700 - 73.400 đồng/kg. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã kín đơn hàng trong quý I.2024. Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam xác nhận, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng trong kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.
Cân đối nguồn cung để bảo đảm hợp đồng
Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2022; nhưng kim ngạch đạt mức cao kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD, tăng 4,6%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu héc ta, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu héc ta, Colombia và Ethiopia hơn 800.000ha, Bờ Biển Ngà gần 800.000ha. Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Không dừng lại ở đó, các chuyên gia tin rằng, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm nay, khi mặt hàng này còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.
Đặc biệt, nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá lo ngại khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn là Brazil và Indonesia giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/2023.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Cà phê, Ca cao ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 cũng sẽ giảm thêm 10% so với vụ trước. Vì vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần cân đối các đơn hàng để bảo đảm hợp đồng.
Thuộc top đầu cả nước về xuất khẩu cà phê, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đã đánh giá tình hình thiếu hụt và mất mùa từ nông dân và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sản lượng niên vụ này; đồng thời, giữ chặt mối liên hệ hợp tác xã - nông dân liên kết để bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đối tác cho thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.