Mới đây, Kiểm toán Nhà nước có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hộ và các đại biểu Quốc hội.
Đối với nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022 gắn với nhiệm vụ, chức năng của NHNN, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.
Về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31.12.2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, cụ thể: khối ngân hàng thương mại cổ phần năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng tăng từ 37,0% năm 2021 lên 42% năm 2022.
Tại 31.12.2022, có 5 NHTM yếu kém gồm Ocean bank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB vượt ngưỡng 34% - chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn.
Ngoài ra, một số NHTM có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng như: Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank - 33%); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - 31,3%); Ngân hàng TNHH Indovina (Indovinabank - 31,1%).
Theo đúng lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN, đến ngày 1.10.2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như trước đó.