Triển khai nhiều dự án, chương trình đào tạo
Trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc nắm giữ nhiều kinh nghiệm, sở hữu công nghệ để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực chip bán dẫn, sản phẩm tối quan trọng trong các ngành sản xuất, các sản phẩm công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam có thị phần rất lớn hàng trăm tỷ USD cần nhập khẩu hàng năm các linh phụ kiện để sản xuất - lắp ráp thành phẩm các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, hàng không, kinh tế biển, nông nghiệp, y tế…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cụ thể, trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc, hai phía thống nhất hợp tác 7 nội dung chính, bao gồm các lĩnh vực: lao động ngành đóng tàu, nguyên vật liệu và linh kiện, dệt may, công nghiệp ô tô, hợp tác nâng cao năng lực Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, (Cục Công nghiệp), hỗ trợ chuyên gia xây dựng, ban hành Luật Phát triển Công nghiệp và hợp tác lĩnh vực khoáng sản trọng yếu.
Năm 2023 vừa qua, Cục Công nghiệp và Samsung Việt Nam cũng đã tập trung triển khai Chương trình đào tạo nhân lực khuôn mẫu, Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp, Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới, Chương trình hợp tác phát triển Nhà máy thông minh. Các Chương trình đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao năng lực và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của tập đoàn.
Mới đây nhất, Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương và tỉnh Bắc Ninh tổ chức sơ kết sau 3 năm thực hiện biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh. Sau 3 năm thực hiện, đến nay đã có 39 doanh nghiệp Việt bao gồm nhà cung ứng cấp 1, cấp 2, nhà cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao tại Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Nâng cao năng lực chế tạo, làm chủ công nghệ khuôn mẫu
Ngành khuôn mẫu là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp sản xuất, từ đồ gia dụng đến hàng không và điện tử. Vì vậy, để nâng cao năng lực chế tạo và làm chủ công nghệ khuôn mẫu cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương và Samsung Electronics Việt Nam hợp tác cùng nhau triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu (khuôn ép nhựa và khuôn dập).
Từ năm 2020, Cục Công nghiệp đã phối hợp với phía Samsung triển khai các khóa đào tạo nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo. “Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Cục Công nghiệp đặt ra là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực khuôn mẫu, thông qua chương trình đào tạo nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực ngành khuôn mẫu Việt Nam.
Hỗ trợ, liên kết đi vào chiều sâu
Mới đây, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã tổ chức lễ ký và trao Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc” bên trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Theo thỏa thuận đã ký kết, N&G Group và SEIN I&D sẽ cùng với các đối tác lớn của Hàn Quốc và quốc tế cùng hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho phát minh - sáng chế - sản xuất - ứng dụng các sản phẩm Micro - chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu với các phân khu sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, nhà ở chuyên gia - kỹ thuật, y tế, đào tạo, logistic, văn phòng, khách sạn… Từ đó, hình thành nên Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc với quy mô khoảng 200ha thuộc giai đoạn 2 của Khu công nghiệp HANSSIP, đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho ngành chip - bán dẫn… và tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Ngoài khu công nghiệp HANSSIP, Tập đoàn N&G và Tập đoàn SEIN I&D cũng đang tiếp tục khảo sát đầu tư mở rộng, thành lập các Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao mang biểu tượng Việt Nam - Hàn Quốc tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu phát triển công nghiệp Hàn Quốc liên quan đến vấn đề hỗ trợ, tư vấn xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm. Kiến nghị về việc tổ chức các khóa đào tạo về chính sách để phục vụ cho việc học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Hàn Quốc. Cụ thể, đề xuất với các đối tác Hàn Quốc hợp tác về việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao thông qua hình thức mua bán sáp nhập hoặc liên doanh liên kết. Đề xuất hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là trình độ tay nghề trong 6 công nghệ nguồn (hàn, đúc, khuôn mẫu, ép nhựa, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt), cũng như một số các công nghệ mới đang được quan tâm hiện nay (sản xuất chip, chất bán dẫn, tự động hóa, nhà máy thông minh).
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, cải tiến kỹ thuật cho doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và ô tô; đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu công nghệ thông qua Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).