Không gian phát triển mới
Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển. Đây là vùng đất có văn hóa đậm đặc và mang bản sắc riêng. Đó là văn hóa châu thổ, văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng, văn hóa Óc Eo của người Việt cổ, của các dân tộc Khmer, Chăm, Việt cùng sinh sống, chia sẻ, giao lưu. Đó là văn hóa sông nước, miệt vườn, làng nghề, ẩm thực… Tất cả đã tạo nên cốt cách con người vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, trong đó có 9 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích cấp quốc gia, 618 di tích cấp tỉnh. Rõ ràng, tài nguyên văn hóa của vùng hết sức phong phú, đa dạng, nhất là văn hóa là Đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Cao tốc đang vẽ lại bản đồ du lịch miền Tây với nhiều loại hình mới, nhiều sản phẩm mới và điểm đến mới. Nhiều địa phương như Đồng Tháp “khuất nẻo”, Cà Mau “xa lắm” bỗng hóa gần nhờ kết nối giao thông. Các cầu lớn vượt sông trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và nhiều cơ sở, làng du lịch mọc lên. Những đoạn cao tốc vừa đưa vào khai thác tạo nên cú hích mới. Các công ty du lịch lữ hành thiết kế lại tour theo cao tốc và cầu mới cho du khách thêm nhiều lựa chọn tour tuyến, điểm đến du lịch.
Tiềm năng phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mảng sáng, tạo ra không gian mới cho du lịch miền Tây. Hệ thống giao thông hàng không, hàng hải, đường thủy, đường bộ được quan tâm đầu tư. Các tuyến dọc, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông, phía Tây, các đường giao thông mới như Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, N1, N2... tạo ra trục xương sống của đồng bằng. Đặc biệt, các đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã, đang và sẽ tiếp tục được nâng cấp, đầu tư mới đáp ứng yêu cầu phát triển vùng.
Trong đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là trục ngang chiến lược, mở cánh cửa phía Tây sang Campuchia, cửa ngõ ra biển Đông nối với siêu cảng biển nước sâu Trần Đề trong tương lai. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết nối các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ, liên kết các tiểu vùng bán đảo Cà Mau, tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và kết nối với Đồng Tháp Mười là các tiểu vùng có nhiều tài nguyên du lịch đặc thù.
Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc. Hiện tại, có 8 dự án với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng gần 94,5 nghìn tỷ đồng đang triển khai thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư để hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2026.
Thời gian qua, du khách tăng theo độ dài đường giao thông và cầu vượt sông, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Năm 2022 du lịch đồng bằng sông Cửu Long thu hút hơn 37,5 triệu lượt khách, tăng gần 238,5%, doanh thu đạt hơn 32.000 tỷ đồng, tăng gần 234,5% so năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn vùng đón gần 27 triệu lượt khách, tăng 133,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch hơn 28 ngàn tỉ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ.
Liên kết không gian, phát triển sản phẩm du lịch
Tuy nhiên, nhìn tổng thể hạ tầng giao thông và đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp kém so các vùng, miền khác. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối khiến mạch máu giao thông vận tải của vùng chưa thông suốt. Vẫn đang tồn tại những “cổ chai” trên tuyến huyết mạch giao thông đường bộ.
Yêu cầu liên kết không gian, phát triển các sản phẩm du lịch vùng trên bản đồ giao thông đồng bằng sông Cửu Long vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Chuỗi giá trị du lịch không thể “gói” trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó.
Theo đó, cần đầu tư phát triển không gian du lịch phía Tây, bao gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, thành phố Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch có nhiệm vụ điều phối khách cho toàn vùng. Định hướng chung cho không gian du lịch phía Tây là khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.
Không gian du lịch phía Đông bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh; với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay). Trong đó, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch.
Từ bản đồ du lịch mới, cần tiếp tục thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn bằng cách làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn. Ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách. Hiểu khách, nắm được thị hiếu của khách là cơ sở quan trọng để chủ động tung ra các sản phẩm mới, phù hợp mà không cần chờ mùa vụ, phục vụ tốt nhất trải nghiệm của du khách, tăng tỷ lệ khách trở lại vùng này trên những cung đường giao thông rộng mở.
Và cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, cùng với hoàn thiện kết cấu hạ tầng, để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng sức hút đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có du lịch, việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cùng tinh thần đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ của các địa phương trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng, để miền Tây sải cánh vươn xa!