Phần lớn cụm công nghiệp trên địa bàn được nguồn ngân sách trung ương và địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, cụm công nghiệp Khuôn Phươn được bố trí 27,0 tỷ đồng; cụm công nghiệp An Thịnh được hỗ trợ đầu tư 8,2 tỷ đồng; cụm công nghiệp Tân Thành được hỗ trợ 6 tỷ đồng; cụm công nghiệp Phúc Ứng được hỗ trợ đầu tư 32,9 tỷ đồng.
Riêng cụm công nghiệp Thắng Quân do Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã được giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư dự án 170 tỷ đồng. Hiện đã thu hút được 5 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư là 681,158 tỷ đồng; 4 doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng để sản xuất đồ gỗ nội thất. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 77,4 %.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Tuyên Quang, địa phương đã thực hiện tốt các quy định, chính sách trong lĩnh vực cụm công nghiệp. Đến nay, các cụm công nghiệp được quy hoạch chi tiết phân khu chức năng để mời gọi, thu hút đầu tư. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp cơ bản hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương gần đây, đại diện Sở Công Thương cũng phản ánh một số vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, một số cụm công nghiệp do đơn vị cấp huyện được giao làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, sản xuất kinh doanh vào cụm. Các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp chậm được đầu tư, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số cụm đã được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tuyên Quang phân bổ đất cụm công nghiệp dàn trải cho toàn bộ 24 cụm trên địa bàn tỉnh và thấp hơn so với diện tích đất trong Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dẫn đến khó khăn trong việc thành lập mới các cụm công nghiệp và triển khai thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất và thuê đất cho chủ đầu tư hạ tầng cụm. Công tác giải phóng mặt bằng đã được tập trung thực hiện nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ triển khai dự án đầu tư, dẫn đến tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp ở một số huyện còn đạt thấp.
Để khắc phục những khó khăn này, đại diện Sở Công Thương Tuyên Quang đề nghị: Chính phủ tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn thu thấp, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.
Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh trong việc đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, đặc biệt là các hạng mục thiết yếu: đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, nguồn kinh phí khác…