Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm
Theo đó, “ông lớn” bia rượu sẽ được thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn; hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án.
Trước thời điểm công bố đưa vào diện thanh tra, Habeco vừa trải qua quãng thời gian không mấy suôn sẻ. Dữ liệu tài chính hợp nhất quý 3.2023 thể hiện, Habeco có doanh thu thuần gần 2.260 tỷ đồng và 107 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 7% và 56% so với cùng kỳ.
Kết quả kém khả quan đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút với biên lãi gộp giảm từ mức 29% cùng kỳ còn 26%, cùng với đó là gánh nặng chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Tuy nhiên vẫn còn “điểm sáng” là lãi tiền gửi, tiền cho vay giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng 75%, lên 59 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 5.511 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 39% so với cùng kỳ; thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt 31% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Habeco tại thời điểm ngày 30.9.2023 là 7.559,8 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn lên đến 3.974,8 tỷ đồng, tăng 490,8 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 52,5% cơ cấu tài sản của tổng công ty.
Chỉ số hàng tồn kho đạt 722 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9/2023, công ty đã trích lập hơn 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Habeco là 2.017 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với con số đầu kỳ. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty được cải thiện đáng kể, giảm 72% xuống còn 27 tỷ đồng. Cuối kỳ, công ty chỉ còn 2 khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (25 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2 tỷ đồng).
Không chỉ Habeco, các công ty con cũng cho thấy bức tranh ảm đạm tương tự. Điển hình như tại CTCP Habeco - Hải Phòng (mã: HBH) ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý III, giảm 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco - Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.
Bia Hà Nội - Hải Dương cũng giảm 1/3 lợi nhuận 9 tháng so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 7 tỷ đồng...
Lần đầu báo lỗ sau 3 năm
Đặc biệt, vào quý 1.2023, tình hình kinh doanh của Habeco vô cùng ảm đạm khi doanh nghiệp báo lỗ gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý 1.2020 (lỗ 98 tỷ).
Habeco cho biết, lợi nhuận công ty giảm sút do doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.
Về tình hình tài chính, thời điểm cuối quý 1.2023, tổng tài sản của Habeco đạt 6.582 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 7% xuống 671 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có 3.004 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 46% tài sản. Với lượng tiền gửi lớn, ba tháng đầu năm, Habeco đã nhận về hơn 45 tỷ đồng tiền lãi. Tổng nợ vay của Habeco khoảng 81 tỷ đồng vào cuối kỳ, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 5.301 tỷ đồng, bao gồm 774 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.