Tiêu hóa khỏe mạnh - chìa khóa phòng, tránh bệnh tật

- Thứ Bảy, 07/05/2022, 12:57 - Chia sẻ

Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbonhydrate - các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể… Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, củng cố hệ miễn dịch và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đó là trao đổi của Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia GS.TS. LÊ DANH TUYÊN với Báo Đại biểu Nhân dân nhân sự kiện truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề “Khỏe tiêu hóa - Khỏe hơn mỗi ngày".

- Không ít ý kiến cho rằng, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch có mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau, hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng tham gia vào quá trình sản xuất các yếu tố miễn dịch. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn. Hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và thường không mắc các bệnh hay các rối loạn tiêu hóa. Khi hệ vi sinh mất cân bằng, các vấn đề rối loạn chức năng tiêu hóa, miễn dịch tại đường ruột cũng như các rối loạn về thể chất và tinh thần cũng bắt đầu xuất hiện.

Tiêu hóa khỏe mạnh - chìa khóa phòng, tránh bệnh tật -0
GS.TS. Lê Danh Tuyên
Nguồn: ITN

Hệ miễn dịch quyết định khả năng đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh khác nhau, nhằm bảo vệ cơ thể trước những nguy cơ bệnh tật. Kháng thể (antibody) hay immunoglobulin (Ig), là hoạt chất sinh hóa học, được hệ miễn dịch sản sinh. Tùy theo nguyên nhân, vị trí mô tế bào bị xâm nhập mà chúng được sản xuất nhiều hay ít, loại chuyên biệt hay không chuyên biệt… Mục đích cuối cùng là triệt tiêu, loại trừ các tác nhân gây bệnh. Theo đó, có 5 loại kháng thể: Iga; IgD; IgE; IgG và IgM.

Miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột ngày càng được khẳng định là ảnh hưởng tới bệnh mãn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer. Có thể nói, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật.

- Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, thưa ông?

- Theo các nghiên cứu thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu… Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Đáng lo ngại, những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn. Trung bình, mỗi năm, Việt Nam có từ 11.000 - 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày, trong đó, khoảng 8.000 người tử vong.

Mỗi người (nếu sống khoảng 70 năm) tiêu thụ khoảng 144 tấn thức ăn thức ăn (không kể nước uống) thông qua đường tiêu hóa, biến thành dinh dưỡng nuôi cơ thể. Trong thức ăn có khoảng 60 chất khác nhau, trong đó, có 40 chất cơ thể không tổng hợp được bắt buộc phải lấy từ thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người đang coi thường hệ tiêu hóa; sử dụng thực phẩm không an toàn, uống bia rượu, thậm chí rất nhiều người ngâm động vật, các chất lạ vào rượu. Việc sử dụng quá nhiều thịt, nhất là thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, tăng axit uric gây bệnh gout, gây béo phì, thừa cân... Đây là “cửa ngõ” của các bệnh không lây nhiễm khác (bệnh tim mạch, ung thư, chuyển hóa…).

- Xin ông cho biết, cần bổ sung dinh dưỡng ra sao để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa?

- Muốn hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần chú ý cung cấp đủ dinh dưỡng. Theo đó, cần cung cấp đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất. Bên cạnh đó cần ăn đủ rau xanh, trái chín - nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, là thức ăn cho lợi khuẩn, giúp lợi khuẩn phát triển trong đường ruột. Đặc biệt, mỗi người không nên ăn quá nhiều thịt đỏ. Bởi, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành trong 2 năm 2019 - 2020, mức tiêu thụ thịt tăng rất nhanh, từ 84gr/người/ngày (mức tiêu thụ bình quân toàn quốc năm 2010) tăng lên 136,4gr/người/ngày năm 2020, ở khu vực thành thị mức này đạt 155,3gr/người/ngày. Tùy theo loại hình lao động từ nhẹ đến nặng, mỗi người chỉ nên sử dụng 1,2 - 2,2gr thịt đỏ/kg thể trọng/ngày, trong đó, người 50kg làm việc văn phòng chỉ nên dùng 60gr thịt đỏ (thịt lợn, bò, phần thịt đỏ của gia cầm) mỗi ngày.

Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy, những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân Covid-19. Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh; nâng cao sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.

- Xin cảm ơn ông!

THẢO MỘC thực hiện