KINH TẾ VIỆT NAM 2022 – 2023:

Tiềm ẩn rủi ro trong tăng trưởng, lạm phát rình rập

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 07:15 - Chia sẻ

Tại diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" ngày 12.5, một số chuyên gia cho rằng sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, lạm phát năm 2022 dự báo trong ngưỡng 4 - 4,5% và vượt 5% vào năm 2023.

Dư địa hồi phục và tăng trưởng còn lớn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,03% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 2,1%. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan. Đáng mừng là trong quý I chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm %, tăng 12 điểm % so với quý IV.2021 và cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng xấp xỉ 50 nghìn, cũng là mức kỷ lục.

Mặc dù các tổ chức quốc tế có các dự báo lạc quan song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn. Do đó, công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều.

Trên cơ sở phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023. Ở kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 5,5 - 6%; ở kịch bản tiêu cực, GDP tăng 4,5 - 5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi, phát triển và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraina.

Trong khi đó, dựa trên nguồn dữ liệu từ khoảng 1.700 công ty đại chúng với tổng vốn hóa 6,7 triệu tỷ đồng và tổng doanh thu 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 55%GDP năm 2021 của Việt Nam, Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho rằng triển vọng tăng trưởng sẽ được củng cố. Dư địa hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao vẫn còn lớn, bởi các nhóm ngành đang hồi phục nhưng hầu hết chưa về mức trước khi Covid- 19 diễn ra. Triển vọng tăng trưởng năm 2022 của hầu hết ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm như: hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu. Khắc phục tình trạng này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng, ông Thuân nhấn mạnh.

Lạm phát có thể vượt 5% trong năm 2023

Theo đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. đặc biệt, việc kịp thời ban hành Chương trình phục hồi sẽ giúp tăng cường "chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra", đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Tuy nhiên, theo đại diện IMF, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. đó là tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, là các rủi ro khác như: căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc; việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu; diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Vì vậy, các ưu tiên chính sách lúc này là phải thúc đẩy phục hồi, duy trì sự ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, ông Francois Painchaud nhấn mạnh. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát.

Về trung hạn, ông khuyến cáo các chính sách cần tập trung huy động thu ngân sách, hiện đại hóa chính sách tiền tệ, tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng và cải cách cơ cấu quyết liệt. Với bối cảnh hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, dự kiến tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Với độ trễ của gói phục hồi, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo lạm phát năm 2022 khoảng 4 - 4,5%, năm 2023 khoảng 5 - 5,5%.

QUANG KHÁNH