Thúc đẩy xuất khẩu sang Campuchia

- Thứ Năm, 23/06/2022, 05:10 - Chia sẻ

Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu và thói quen tiêu dùng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm..., vì vậy cơ hội xuất khẩu sang thị trường này rất lớn. Tuy vậy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong khâu thông quan tại các cửa khẩu phía Việt Nam.

Thương mại hai chiều tăng 17%/năm

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang Campuchia ngày 22.6, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, thương mại song phương giữa 2 nước tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 tăng lên 5,32 tỷ USD năm 2020.

Thúc đẩy xuất khẩu sang Campuchia -0
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 4,8 tỷ USD. Nguồn: ITN

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Campuchia đạt 2,6 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ yếu gồm: sắt thép các loại; sản phẩm hóa chất; sản phẩm nhựa; máy móc, thiết bị điện; thực phẩm chế biến nông sản, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc...

Theo Bộ Công thương, sự tăng trưởng ổn định này xuất phát từ nhiều yếu tố. Việt Nam và Campuchia là láng giềng, có điều kiện bổ sung cho nhau về văn hóa, kinh tế... Doanh nghiệp Việt hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Ở cấp vĩ mô, Chính phủ hai nước đã có những thỏa thuận xây dựng cơ chế mở cửa thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quy chế về thương mại.

Bên cạnh đó, cả hai đều là thành viên của ASEAN và được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này tạo cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư, phát triển các chuỗi giá trị để xuất khẩu sang các nước ASEAN. 

 Rút ngắn thời gian thông quan

Cập nhật thông tin về thị trường Campuchia, ông Phan Văn Trường, Bí thư Thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, Campuchia ban hành Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm với nông sản nói chung và hàng chế biến nói riêng. Thương vụ sẽ sớm thông báo rộng rãi các quy định mới để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện.

"Doanh nghiệp không cần quá lo lắng bởi các quy định về an toàn thực phẩm của Campuchia cơ bản đồng nhất với Việt Nam. Nước bạn chỉ kiểm tra nghiêm ngặt đối với cá tươi vì có sự cạnh tranh của doanh nghiệp sở tại", ông Trường nói. Tuy vậy, doanh nghiệp không nên ỷ lại vào sự dễ dàng trong kiểm tra mà lơ là việc thực hiện nghiêm những yêu cầu của phía bạn. "Thời gian qua, Thương vụ vẫn phải giải quyết những vụ việc hàng hóa của chúng ta bị giữ lại cửa khẩu, vừa gây ùn ứ, vừa hỏng, đặc biệt là hàng tươi sống”.

Bà Mai Thị Kim Anh, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Sig.Grcace cho biết, khi xuất khẩu sang Campuchia, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn ở khâu thông quan tại các cửa khẩu của Việt Nam. Rào cản lớn nhất là thủ tục, phương thức tác nghiệp thường thay đổi, giờ làm việc bất cập (chỉ từ 13 - 16 giờ), không đồng nhất giữa việc đăng ký mã hàng hóa và thời gian thông quan. 

Bà Kim Anh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin đầy đủ để xuất khẩu hàng hóa thuận lợi vào thị trường này, kể cả hàng quá cảnh. Thời gian thông quan nên rút ngắn, giờ làm việc nên quy định từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, bởi nguyên vật liệu nếu để quá lâu sẽ khó cho doanh nghiệp. 

Tại phiên tham vấn, một số ý kiến đề nghị Tổng cục Hải quan Việt Nam rà soát hệ thống, khâu nào chưa chuẩn thì chấn chỉnh lại quy trình, mở rộng thêm khoảng thời gian cho doanh nghiệp khai báo. Về phía doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm khi làm thủ tục thông quan và thông tin đăng ký trên tài liệu pháp lý phải đồng nhất, bởi khi hệ thống hải quan cập nhật không khớp thì không đẩy nhanh được.

Hạnh Nhung