Hai khó khăn lớn nhất
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp rất lớn vào thương mại quốc tế của nước ta, ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng cao song chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Những rủi ro đó, theo ông Hội, đến từ sự mất cân đối trong cán cân thương mại với các thị trường; sự mất cân đối về thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là với các mặt hàng chế biến, chế tạo. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, phát triển xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia hoạt động xuất khẩu thường gặp hai khó khăn lớn nhất là tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng. Đây là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Tâm nói.
Hỗ trợ mạnh hơn, cụ thể hơn
Các diễn giả cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát huy vai trò trong nền kinh tế.
Cụ thể, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu và bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đổi mới công nghệ. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, chủ động tích cực xây dựng nội lực doanh nghiệp về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế…
Mặc dù sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, nhưng theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, sự chủ động của doanh nghiệp giữ vai trò quyết định. Theo đó, doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên với hiệp hội ngành hàng, tích cực, chủ động tham gia vào quy trình hoạch định chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững và phản ánh quan điểm, đề xuất của mình. Đồng thời, chủ động cập nhật các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước; điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu; thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu. "Doanh nghiệp cần tiếp cận các thị trường mới và tìm hiểu về nhu cầu của từng thị trường địa phương; chú trọng các yêu cầu về chất lượng và cấu trúc thị trường; tăng cường giao dịch điện tử, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu", ông Hội khuyến nghị.