Cần thiết có Nghị định về hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta với số lượng lớn (khoảng 5 triệu hộ). Tuy nhiên, các quy định hiện hành về việc công nhận và xác định vị trí pháp lý cho hộ kinh doanh vẫn chưa rõ ràng, khiến việc xác định vị trí của hộ kinh doanh so với các chủ thể kinh doanh khác như doanh nghiệp, hợp tác xã còn mơ hồ.
Vì vậy, VCCI cho rằng, việc xây dựng văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo hiện mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh, chưa có các quy định về quá trình hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh. “Nếu dự thảo chỉ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thì chúng tôi kiến nghị đổi tên của Nghị định là “Nghị định về đăng ký hộ kinh doanh”, VCCI bày tỏ quan điểm.
Trong dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đang đưa ra hai phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh. Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2: đối tượng thành lập hộ gia đình chỉ là cá nhân.
Theo VCCI, thống kê cho thấy, hiện nay, hầu hết hộ gia đình đăng ký kinh doanh đều là cá nhân và cơ quan thuế cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân. Như vậy, phương án 2 là phù hợp về mặt thực tiễn.
Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, việc thay đổi về khái niệm này có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình, và cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Vì vậy, VCCI cho rằng, trước mắt ban soạn thảo lựa chọn phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành. Về mặt lâu dài, đề nghị quy định hộ kinh doanh là chỉ do cá nhân thành lập.
Ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh thế nào?
Về việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh hiện cũng có quan điểm khác nhau.
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được “tự do” ghi ngành, nghề kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Lần này, dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh quy định: hộ kinh doanh lựa chọn ngành nghề cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của hộ kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (khoản 2 Điều 12 Dự thảo).
VCCI cho rằng, thay đổi này là chưa phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể đăng ký kinh doanh. Thực tế, VCCI đã phản ánh rất nhiều lần về những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp khi phải ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4. Theo VCCI, việc xác định ngành nghề trong thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho các mục tiêu quản lý nhà nước, vì vậy, chủ thể thực hiện việc ghi mã ngành phải là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp. Bởi lẽ, cơ quan nhà nước có thể dựa vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký để xác định các nhóm, phân nhóm phù hợp để phục vụ cho mục tiêu thống kê hoặc các mục tiêu quản lý khác. Dù doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nào có hay không trong có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, miễn là không phải là ngành nghề cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, do đó việc xác định mã ngành nghề nào tại thời điểm đăng ký kinh doanh là ít ý nghĩa - nếu xét ở góc độ của doanh nghiệp.
Điều này cũng đúng với hộ kinh doanh. Mặt khác, dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh cũng như các quy định hiện hành chưa có quy định như thế nào được cho là “ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính” - điều này có thể gây khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh.
Với những phân tích như vậy, VCCI đề xuất giữ nguyên quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, hộ kinh doanh khi đăng ký kinh doanh ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà mình muốn kinh doanh; còn cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ dựa vào thông tin này để xác định mã ngành cấp 4 để thực hiện cho hoạt động thống kê.