Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững nông, lâm, thủy sản

Thống nhất đầu mối thực hiện từ Trung ương đến địa phương

- Thứ Ba, 22/11/2022, 06:55 - Chia sẻ

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bên cạnh việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thì sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương.

Gia tăng tỷ lệ cơ sở được chứng nhận đạt yêu cầu ATTP

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua, ngành đã đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”; xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản. Tiếp cận chủ động trong xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Tại tỉnh Hòa Bình, nâng cao chất lượng thực phẩm nông, lâm, thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh đã hướng dẫn, thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó, hoạt động lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành về ATTP, qua tổ chức lấy mẫu không phát hiện mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm chỉ tiêu ATTP.

Đặc biệt, xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm là vấn đề được quan tâm. Các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được hình thành và phát triển. Một số doanh nghiệp, đơn vị, HTX đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi khép kín, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh như: HTX 3T nông sản Cao Phong, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) cung cấp sản phẩm cam VietGAP cho các cửa hàng, hệ thống cung cấp thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) cung cấp các sản phẩm măng chế biến cho hệ thống siêu thị ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước…

Còn tại Thái Nguyên, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng nông sản được chú trọng đặc biệt. Theo đó, đến thời điểm tháng 10.2022, Chi cục đã thực hiện 2 cuộc thanh tra, 3 cuộc kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành tại 6 huyện, thành phố và kiểm tra trực tiếp tại 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã xử lý 4 trường hợp vi phạm. Tổ chức lấy 192 mẫu trà, rau, thịt, thủy sản, giò... tại vùng sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ để kiểm nghiệm chỉ tiêu về ATTP. Kết quả kiểm nghiệm 178/181 mẫu đạt yêu cầu, 3 mẫu vi phạm. Thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật về ATTP.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành và xử lý vi phạm về ATTP đã phát huy hiệu quả. Những vấn đề gây bức xúc về thực phẩm nông, lâm, thủy sản không an toàn dần được kiểm soát và giảm cả số lượng, mức độ, hiện tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, phức tạp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác khảo sát sản xuất rau sạch tại trang trại WinEco
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác khảo sát sản xuất rau sạch tại trang trại WinEco
Nguồn: ITN

Thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lũy kế 10 tháng năm 2022, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu ATTP đạt 97,7%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 99,4%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 89%. Trong tháng 10.2022, đơn vị chức năng đã kiểm tra hàng có nguồn gốc thực vật với 17.519 lô hàng, kiểm tra an toàn thực phẩm 125.897 lô hàng.

Thực tế cho thấy, dù công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đang được thực hiện rất quyết liệt, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện những mặt hàng thực phẩm “3 không” (không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng), đặc biệt là ở các khu vực chợ dân sinh, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp. An toàn thực phẩm khu công nghiệp, trường học chưa bảo đảm.

Vệ sinh ATTP tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi gia đình công nhân lao động, người dân và toàn xã hội. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Chỉ thị này đã căn cứ trên tình hình thực tế và có một số bước tiến đáng kể trong quản lý ATTP. Nổi bật là cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP. Đây là nội dung rất có ý nghĩa và được kỳ vọng là giải pháp căn cơ giúp nâng cao công tác quản lý, bảo đảm ATTP trong tình hình mới. Thực tế hiện nay, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng quản lý vấn đề ATTP. Dưới các Bộ là 3 sở ở mỗi tỉnh, thành, cơ chế phối hợp khó khăn chưa phát huy được hết sức mạnh tập thể. Chỉ thị số 17 nhấn mạnh vào cơ chế quản lý thống nhất chỉ một đầu mối để đạt hiệu quả cao hơn.

Trước mắt, trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh bảo đảm chất lượng ATTP.  Đồng thời phối hợp phổ biến pháp luật về ATTP, truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn. Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tập trung nguồn lực tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; vận động cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và tuân thủ quy định ATTP. Đồng thời, duy trì triển khai các chương trình giám sát, kịp thời cảnh báo, xử lý vi phạm theo quy định; chủ động tiếp nhận thông tin, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về ATTP.

(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản)

ĐÀO CẢNH