Tháo gỡ tối đa cho các dự án năng lượng tái tạo

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 06:16 - Chia sẻ

“Tinh thần chung là tháo gỡ tối đa cho các dự án năng lượng tái tạo. Bộ Công thương chỉ đạo EVN nếu doanh nghiệp đề nghị nghiệm thu là phải tiến hành ngay và phải tháo gỡ khó khăn về đấu nối. Về phía các nhà đầu tư cũng phải nỗ lực hoàn thiện các thủ tục còn lại liên quan đến pháp lý dự án”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết trong cuộc họp báo chiều 26.5.

Mới có 18/85 dự án điện tái tạo được cấp phép hoạt động điện lực

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.

Trong đó, nhằm đẩy nhanh việc đàm phán giá bán điện của dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toaán, quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Đến chiều 26.5, có 52/85 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm 67%) đã gửi hồ sơ đàm phán đến EVN. Trong đó có 39 dự án đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sở huy động. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Bộ đã chỉ đạo EVN phải hoàn tất thủ tục giá tạm thời với tất cả các nhà đầu tư có nhu cầu. Đến nay, có 5 dự án (công suất 391MW) đã đủ hồ sơ và đủ điều kiện phát điện thương mại, trong vài ngày tới hoàn tất thủ tục sẽ đưa vào vận hành chính thức. Các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục, kiểm tra nghiệm thu, bảo đảm yêu cầu pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực.

“Tinh thần chung của cơ quan nhà nước là tháo gỡ tối đa cho các dự án năng lượng tái tạo. Bộ chỉ đạo EVN nếu doanh nghiệp đề nghị nghiệm thu là phải tiến hành kiểm tra, nghiệm thu ngay và phải tháo gỡ khó khăn về đấu nối của các dự án chuyển tiếp. Về phía các nhà đầu tư cũng phải nỗ lực hoàn thiện các thủ tục còn lại liên quan đến pháp lý dự án”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, thông tin từ Cục Điều tiết điện lực cho biết, đến 23.5.2023 mới có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Điều này cho thấy việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3.2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm khoảng 33%).

"Không phải thiếu mới nhập khẩu điện"

Về khả năng cung ứng điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, sắp tới phụ tải cao hơn kế hoạch phê duyệt, do dự báo miền Bắc nhiệt độ vẫn ở mùa khô cao điểm. Tinh thần là bằng bất cứ giải pháp nào cũng không để thiếu điện, "không hy sinh kinh tế mà để xảy ra tình trạng thiếu điện", nếu khó khăn thì sẽ huy động các nguồn giá cao.

Ông An cho biết, hệ thống điện có tổng công suất khoảng 80.000MW, trong khi phụ tải cao nhất là 44.000MW. Nếu bảo đảm tổ máy không sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ và điều tiết các hồ, tiết kiệm điện lên mức tốt thì sẽ vượt qua những ngày khó khăn trong cung ứng điện.

Liên quan đến nhập khẩu điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, nước ta nhập khẩu điện từ lâu, không phải thiếu mới nhập.

Cụ thể, nước ta nhập khẩu điện từ Trung Quốc từ năm 2005. Công suất mua từ Quảng Tây là 70MW, vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế, vừa góp phần cung ứng điện cho miền Bắc. Việc nhập khẩu điện từ Lào thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ, với giai đoạn 2020 - 2025 tối thiểu là 3.000MW và giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 5.000MW.

Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng với tỷ trọng nhỏ, bảo đảm hiệu quả kinh tế cũng như tự chủ an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực. So với tổng nguồn cung toàn hệ thống, lượng nhập khẩu điện tương đối nhỏ, chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc 450 triệu kWh/ngày. Đây là mức tương đối thấp nhưng rất quý với miền Bắc, ông An cho biết.

Được biết, hiện nay giá điện nhập khẩu thấp hơn mua trong nước. Giá mua điện từ Trung Quốc là 6,5 cent tức gần 1.540 đồng một kWh. Còn giá mua tại Lào là 6,9 cent một kWh, khoảng 1.632 đồng một kWh. Trong khi đó, theo số liệu từ EVN, giá mua điện bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 1.845 đồng một kWh. Như vậy, giá mua điện từ Lào, Trung Quốc thấp hơn một số nguồn điện trong nước và thấp hơn giá mua bình quân các loại nguồn điện.

Hà Lan