Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, sau 3 năm triển khai “Dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2022”, các hộ tham gia mô hình có nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Tại vùng dự án, năng suất bình quân đạt 4,75 tấn búp tươi/ha/năm, tăng 30% - 35% so với năm 2019, cao hơn mục tiêu dự án 1,25 tấn/ha. Sản phẩm chè búp tươi do Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà thu mua với giá từ 17.000 đồng/kg.
Mô hình được triển khai trên diện tích 20 ha với sự tham gia của 70 hộ dân thuộc xã Bản Liền và xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 70 hộ tham gia mô hình tại xã Bản Liền và xã Tả Củ Tỷ; 7 lớp cho 210 học viên là những nông dân tiêu biểu sản xuất chè tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương; 3 hội nghị đầu bờ cho 160 đại biểu là nông dân tại các vùng sản xuất chè để tuyên truyền và nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo; xây dựng 2 tổ hợp tác sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ chè hữu cơ; hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn và hộp đựng sản phẩm chè hữu cơ (in 1.000 tem nhãn, làm các loại hộp đựng chè) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ thương mại…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, mặc dù năng suất chè thấp hơn với năng suất bình quân của các vùng chè sản xuất theo phương thức truyền thống nhưng giá bán sản phẩm chè hữu cơ tăng gấp 2,5 - 3 lần so với chè thông thường nên giá trị thu nhập tăng hơn 30%. Do mô hình được sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và phân chuồng hoai mục nên ngoài tăng năng suất còn giúp đất tơi xốp. Đặc biệt, các hộ đều sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc khi cần để xua đuổi các loại sâu nên chất lượng chè đáp ứng được tiêu chuẩn hữu cơ và yêu cầu của đơn vị thu mua.
Dự án đã đạt được mục tiêu tăng chất lượng chè; thay đổi nhận thức của nông dân về việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học, góp phần giảm chi phí sản xuất; giúp thống nhất lập kế hoạch phát triển kinh tế hộ (liên kết ngang) để quyết định hình thức đầu tư; vệ sinh môi trường thôn, bản được cải thiện do tận dụng nguồn phế phẩm, phụ phẩm sẵn có để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây chè.
Đặc biệt, mô hình đã góp phần chuyển giao và phổ biến tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn và được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, nông dân sản xuất chè đánh giá cao về nội dung, phương pháp triển khai.