Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước được coi như một điểm sáng khi trong 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng 9,7%. Kết quả này phải kể đến sự nỗ lực rất lớn từ Bộ Công thương, cho tới các địa phương trong việc triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga, từ nay tới cuối năm Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng, trong đó đặc biệt quan tâm đến chương trình khuyến mại tập trung quốc gia và bình ổn thị trường.
Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố và Sở Công thương các địa phương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ , tạo sự liên kết để giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước nhanh và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường. Xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu. Các địa phương trên cả nước cũng đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam và kéo dài thời gian hơn.
Tại Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn và tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng. Cụ thể, vào tháng 11 tới, sự kiện “Tháng khuyến mại” sẽ được triển khai trên địa bàn toàn Thủ đô với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Hay như sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” cũng sẽ diễn ra vào dịp Black Friday, thu hút nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia.
Trong những tháng cuối năm và mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương Hà Nội cũng đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu và tăng khả năng mua sắm của người dân.
Theo Quyền Giám đốc Sở Trần Thị Phương Lan, Sở Công thương đã đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân. Tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ người dân.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố cũng đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, Sở Công thương thành phố sẽ vận động các hệ thống phân phối, bán lẻ tham gia công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xây dựng kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã và đang tập trung cao nhất cho chương trình khuyến mại tập trung lần 2 trong năm 2023 vào dịp cuối năm nay. Ngành công thương Thành phố cho biết, cũng sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…, phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia.
Dự kiến cuối tháng 12.2023, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất, cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành công thương Thành phố cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng các phương án, giải pháp để xử lý, can thiệp kịp thời các tình huống thị trường biến động, giá cả tăng đột biến, bảo đảm công tác cung ứng - phân phối hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn hoặc thiếu cục bộ trong dịp cuối năm cũng như dịp Tết Nguyên đán 2024.