Tạo giá trị mới bằng giải pháp, tư duy đột phá

- Thứ Hai, 28/11/2022, 17:24 - Chia sẻ

Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.

Dù có nhiều lợi thế và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ; tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.

Vấn đề nữa là công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Là tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh công lập; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu...

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế, phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Do thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực để thu hút đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Là do việc phân cấp, phân quyền chưa tạo sự chủ động cho các địa phương. Các quy hoạch chất lượng chưa cao, thiếu liên kết, không đồng bộ, thậm chí xung đột, chồng chéo. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ còn thấp; năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế. Năng lực cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở về quản trị xã hội, xử lý tình huống bất thường chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn sai sót, vi phạm.

Để tháo gỡ những "nút thắt" này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải giải quyết mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Bên cạnh đó là các vấn đề về kết nối hạ tầng; huy động nguồn lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hoá... Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Đông Nam Bộ là nơi hội tụ tiềm năng, thế mạnh và thực tế với sự nỗ lực của các địa phương đã đạt nhiều kết quả nổi bật - nhưng để phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và phải bền vững, phải có giải pháp, tư duy đột phá để tạo nên các giá trị mới.

Khương Ninh
#