Nâng cao giá trị chế biến nông sản nhờ khuyến công
Năm 2023, kế hoạch khuyến công quốc gia giao cho tỉnh Đắk Nông với tổng kinh phí thực hiện là 6.698,6 triệu đồng; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.440 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 3.258,6 triệu đồng, thực hiện 4 đề án.
Khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện là 3.645 triệu đồng để thực hiện 7 đề án, trong đó, kinh phí ngân sách địa phương đề nghị hỗ trợ là 1.800 triệu đồng, kinh phí huy động từ cơ sở công nghiệp nông thôn là 1.845 triệu đồng.
Hiện, nông sản là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tuy nhiên các doanh nghiệp, cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, sản xuất thô, giá trị thấp. Vì vậy, việc hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản từ nguồn nguyên liệu tại chỗ vô cùng cần thiết.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông đã triển khai đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản” cho 4 cơ sở thụ hưởng, với tổng kinh phí thực hiện 2.639,1 triệu đồng; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.200 triệu đồng. Cả 4 cơ sở (Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Tài Đức; Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát; Hợp tác xã Nông Phú; HTX Nông nghiệp Hợp Thắng Đắk Nông) đều đánh giá, việc ứng dụng máy móc hiện đại, tiên tiến vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực xuất khẩu; giá trị kinh tế, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm; thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Dù kinh phí khuyến công hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo động lực cho cơ sở mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tận dụng và tiêu thụ hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tích cực hoàn thành kế hoạch khuyến công
Với những kết quả tích cực đã đạt được, những tháng cuối năm 2023, Sở Công thương Đắk Nông sẽ tập trung phối hợp tốt với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện hoàn thành Kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2023 đạt mục tiêu; quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu quả và thanh toán, quyết toán theo đúng quy định.
Để hoàn thành kế hoạch, Sở sẽ tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đôn đốc, giám sát các chương trình, đề án khuyến công đang được triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách khuyến công bố trí kịp thời, đủ nguồn vốn đối ứng để triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện đề án, từ đó có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho cơ sở, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công.
Điều kiện kinh tế - xã hội của Đắk Nông còn khó khăn, phần lớn cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính thấp, ngân sách của tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, Sở Công thương Đắk Nông kiến nghị Bộ Công thương quan tâm và bố trí kinh phí hàng năm nhiều hơn để giúp địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, Bộ Công thương xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể số lượng người làm việc ở mỗi vị trí việc làm; UBND tỉnh Đắk Nông giao thêm biên chế để thực hiện nhiệm vụ khuyến công được hiệu quả hơn.