Sức ép giải ngân lớn

Anh Thảo 25/11/2022 06:21

Theo phản ánh của các đại biểu, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi là Chương trình) chưa đầy đủ, trong khi thời điểm giao vốn cho địa phương muộn, tạo áp lực yêu cầu giải ngân rất lớn. 

Thực hiện Quyết định 1719 cần 50 văn bản hướng dẫn

Triển khai Chương trình giai đoạn 1 (2021 - 2025) chậm, đã tạo ra sức ép giải ngân lớn cho năm 2023. Theo các đại biểu dự Hội thảo tham vấn về Công tác chuẩn bị giám sát của Quốc hội năm 2023; một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Hội đồng Dân tộc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức, hiện tỷ lệ giải ngân thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giai đoạn 1 rất thấp. Ước tính đến 31.10.2022, tốc độ giải ngân theo Quyết định 1719 của các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 3,89%. Chỉ có 10 tỉnh trong tổng số 46 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã giải ngân được một số hoạt động. Tất cả 36 tỉnh còn lại đều chưa giải ngân được vốn từ Quyết định 1719. Như vậy, với thời gian còn lại rất ngắn, phần lớn vốn của Quyết định 1719 phân bổ cho năm 2020 sẽ không thể giải ngân được.

Sức ép giải ngân lớn -0
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo

Theo nhiều đại biểu, do là chương trình mới, các văn bản hướng dẫn nhiều, chậm, muộn, thiếu và chưa rõ, khiến các cơ quan, đơn vị mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình, nhiều văn bản phải ban hành, điều chỉnh, bổ sung… dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành các lĩnh vực khác ở địa phương bị ảnh hưởng. Đây là một thực tế đi ngược với chủ trương về quản lý điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đáng lưu ý, Nghị định số 27/2022/NĐ - CP ngày 19.4.2022 đã quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng thực tế, các bộ, ngành lại xây dựng cơ chế riêng, phân biệt về quy trình, thủ tục định mức… giữa ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Tương tự như vậy, các sở, ngành cấp tỉnh cũng triển khai xây dựng hướng dẫn chi tiết riêng cho từng Chương trình mục tiêu quốc gia. Tình trạng này dẫn đến số lượng lớn các văn bản hướng dẫn mà cấp cơ sở phải sử dụng làm căn cứ cho triển khai các chương trình, chính sách trên địa bàn. Tại một số tỉnh, thành phố, thực tế triển khai cho thấy, để thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phải có khoảng 50 văn bản chính sách cấp Trung ương và hướng dẫn cụ thể của cấp tỉnh.

Các đại biểu phản ánh, hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, trong khi thời điểm giao vốn cho địa phương muộn, tạo áp lực yêu cầu giải ngân rất lớn, có thể dẫn đến chất lượng thực hiện hoạt động bị ảnh hưởng.

Rất lúng túng

Từ thực tiễn triển khai Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ ở cơ sở, đại diện lãnh đạo huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, một số văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể được định mức hỗ trợ, nội dung, quy trình thực hiện, nên trong quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi khó khăn, lúng túng. Một số nội dung chưa quy định cụ thể mức chi, như mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc dự án 1, mức hỗ trợ dân cư xen ghép ở dự án 2. Cụ thể, như dự án 2, hỗ trợ dân cư xen ghép, thì chủ yếu hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ các thủ tục pháp lý khác, nhưng thực tế, đã là đồng bào dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thì bà con đã được hỗ trợ các chính sách này, song dự án 2 lại "đi vào hỗ trợ cái đã được hỗ trợ”, cho nên "rất khó để địa phương thực hiện giải ngân".

Tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1719 để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là gần 16 tháng. Như vậy là quá muộn. Cùng với đó, tiêu chuẩn, định mức phân bổ ngân sách cho địa phương cũng không rõ ràng. Chỉ ra thực tế này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023 về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình cần xem xét, đánh giá, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong việc chủ trì, chỉ đạo và phân công các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào?

Nêu quan điểm giám sát phải tháo gỡ được ngay những vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, giám sát cần đánh giá kết quả, vướng mắc, nguyên nhân của việc chậm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia. Vì sao đến nay tỷ lệ giải ngân của các chương trình rất thấp? Phân tích, đánh giá rõ chỉ đạo, điều hành giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và đánh giá việc tổ chức thực hiện các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì "nặng nhất" là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, Chương trình này chưa được tiếp thu đầy đủ dẫn đến vướng mắc, chậm triển khai. Còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã có nền tảng thực hiện, nhưng cũng còn sự trùng lắp về địa bàn, chính sách, nội dung thực hiện và sự phối hợp thực hiện 2 Chương trình.

Qua giám sát đợt này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hy vọng không chỉ giải quyết được vướng mắc trong triển khai thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025 mà còn đề xuất được giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức ép giải ngân lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO