Theo danh sách vừa được MXV công bố ngày 18.5,4 thành viên được xếp hạng xuất sắc trong năm 2022 bao gồm: Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi, Công ty CP Saigon Futures, Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) và Công ty CP Giao dịch Hàng hóa TP. Hồ Chí Minh (HCT).
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV, cho biết, việc tổ chức xếp hạng, đánh giá các thành viên sẽ là công tác hàng năm được MXV thực hiện và công bố đối với toàn thị trường. Đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển chuyên nghiệp hơn của thị trường hàng hóa. Việc đánh giá thành viên là một trong những tiêu chuẩn mang tính quốc tế của thị trường hàng hóa, được nhiều Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới áp dụng.
Như vậy, kể từ năm nay, bên cạnh việc công bố Top thị phần môi giới của các thành viên hàng quý, MXV thực hiện công bố bảng xếp hạng các thành viên thị trường.
Hiện, MXV có 30 thành viên kinh doanh và 2 thành viên môi giới được chính thức cấp phép hoạt động, cùng các văn phòng và chi nhánh tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Cũng theo MXV, giao dịch hàng hóa là thị trường còn khá mới ở Việt Nam. Do đó, bên cạnh quá trình số hóa, tự động hóa, nguồn nhân lực cũng là một vấn đề cần nhiều sự quan tâm trong thời gian tới.
Để thị trường phát triển hiệu quả và bền vững, MXV xác định, công tác đào tạo về cả kiến thức, đạo đức và kỹ năng cho các nhà môi giới, nhà đầu tư là một trong những trọng tâm trong hoạt động tổ chức và vận hành thị trường.
Theo PGS.TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Do đó, ông Quế cho rằng, cần có tầm nhìn xa hơn, xây dựng một môi trường đào tạo bài bản cho các nhà môi giới, nhà đầu tư ngay từ trên giảng đường Đại học, Học viện.
Được biết, Học viện Ngân hàng đang nghiên cứu để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một môn học hoặc một nội dung được giảng dạy cho sinh viên, qua đó bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường hàng hóa trong tương lai.