Tiến bộ lớn trong công tác quản trị
- Sau gần 6 năm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng nào, thưa ông?
- Trong những lần thanh tra, kiểm tra gần đây, EC ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và những kết quả tích cực so với trước. Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý như sửa Luật Thủy sản năm 2017, ban hành 2 nghị định và 8 thông tư liên quan. Công tác thực thi pháp luật được tăng cường, triển khai tương đối đồng bộ.
Đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) hoàn thành gần 100%. Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) cũngđã hoàn thiện; cập nhật toàn bộ số lượng tàu cá và cơ cấu ngành, nghề của tàu cá khai thác thủy sản trên cả nước. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác có chuyển tích cực…Các địa phương đã chú trọng, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá, bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện các giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt… Có thể nói, chuyển biến lớn nhất trong 6 năm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUUlà có những tiến bộ rất lớn trong công tác quản trị.
- Dù vậy vẫn có một số nội dung Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của EC, thưa ông?
- Phải khẳng định, 4 nhóm khuyến nghị của EC về khung pháp lý; quản lý đội tàu; công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật đều rất quan trọng.
EC nhiều lần nhấn mạnhsẽ không xem xét gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu chúng ta chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài. Từ tháng 10.2022 đến nay vẫn còn 27 tàu cá, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ vi phạm có giảm 20% so với cùng kỳ 2022 song tình trạng này vẫn tương đối phức tạp. Công tác thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU triển khai chưa thật sự quyết liệt.
Bên cạnh đó, kiểm tra thực tế tại địa phương cho thấy vẫn còn một số cảng cá, một số doanh nghiệp có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ, chưa bảo đảm đủ độ tin cậy khi xuất khẩu sang một số thị trường châu Âu và một số thị trường khác. Việc ghi nhật ký khai thác của bà con ngư dân còn chưa đạt yêu cầu…
Tăng cường tuần tra và vận động ngư dân
- Giải pháp nào căn cơ để chấm dứttình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài, thưa ông?
- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là những vùng giáp ranh với các nước trong khu vực biển Đông để có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bộ Quốc phòng cũng đã và sẽ triển khai phối hợp với địa phương và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn. Kiên quyết xử phạt thật nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, Bộ Công an đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác bất hợp pháp.
Về phía địa phương cũng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong việc tuyên truyền, vận động ngư dân và có những giải pháp ở trong bờ để ngư dân nhận thức vấn đề và không khai thác ở vùng biển nước ngoài nữa; bên cạnh đó là kết hợp với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển.
Việt Nam phấn đấu ít nhất từ nay đến tháng 10 không có thêm tàu cá vi phạm.
- Theo ông, liệu Việt Nam có thể gỡ được thẻ vàng IUU trong đợt kiểm tra của EC vào tháng 10 tới đây không?
- Tôi tin nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực thì sẽ sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng như mong muốn và kỳ vọng; đó sẽ là bàn đạp rất tốt cho ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng.
Việc cần và phải làm ngay là chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở nước ngoài, tăng cường xử phạt, xử lý có tính nghiêm minh để răn đe và hạn chế dần những khai thác bất hợp pháp. Tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý tàu cá, công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác và quản lý chặt chẽ các nhóm tàu chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS cũng như giấy phép đăng ký khai thác; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về Kế hoạch hành động chống khai thác IUU. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế. Bộ cũng xây dựng nội dung, kế hoạch tổng thể để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10 tới để đạt kết quả tốt nhất. Trên cơ sở đó địa phương chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình làm việc và bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện tốt các nội dung khi Đoàn Thanh tra của EC thanh tra thực tế tại địa phương.
- Xin cảm ơn ông!