Nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 sẽ gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao. Hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tạo đà cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

 Đột phá từ ứng dụng công nghệ 5.0

Tại "Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0"  do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23.7, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ GDP của ngành đạt 3,38% cao nhất trong 5 năm gần đây; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,2 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0. Nguồn:INT
Nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0. Nguồn:INT

Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy cam go do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên; do đó cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc tiếp cận phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng tất yếu - đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Hiện năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước. Bên cạnh đó, thách thức từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu... Nếu giữ hệ thống và áp dụng khoa học công nghệ như hiện tại thì sẽ là nỗi lo cho ngành nông nghiệp.

Trước 3 chữ "biến" của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, theo ông Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn. Muốn làm được điều đó, chỉ có cách tận dụng thành tựu của khoa học - công nghệ, trong đó nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư phát triển

Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Lê Văn Tuấn cho biết, trong chiến lược kinh doanh, Agribank xác định, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn.

Tuy nhiên, quá trình vay vốn thực hiện công nghệ cao vẫn còn nhiều khó khăn; chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn nhiều bất cập như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung. Thứ nữa là thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập...

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Do đó, ông Tuấn kiến nghị, các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh.

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ xúc tiến thị trường thông qua nhiều hình thức. Tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Các trường đại học, viện, học viện cần có các chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng, thu hút được lao động trẻ, có năng lực, trình độ nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đặng Kim Sơn đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học...

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ, ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…

Kinh tế

 Meey Group “ẵm giải” ngay lần đầu tham dự Dot Property Vietnam Awards 2024
Kinh tế

Meey Group “ẵm giải” ngay lần đầu tham dự Dot Property Vietnam Awards 2024

Là một doanh nghiệp tiên phong tìm kiếm và xây dựng các giải pháp thông minh dành cho lĩnh vực bất động sản, lần đầu tham gia, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã xuất sắc được vinh danh tại lễ trao giải Dot Property Vietnam Awards 2024 danh giá với hạng mục Best Innovation and Technology Vietnam 2024 (Đổi mới sáng tạo và Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản tốt nhất) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh tối nay, 26.9.

Dồn toàn lực cho công tác giám định, chi trả tạm ứng bồi thường!
Doanh nghiệp

Dồn toàn lực cho công tác giám định, chi trả tạm ứng bồi thường!

“Đó là ưu tiên số 1 của Bảo hiểm Agribank trong thời điểm này. Chúng tôi sẽ chi trả tạm ứng bồi thường bằng tiền ngay để khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 có nguồn lực tài chính khắc phục tổn thất và nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh” - ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) chia sẻ.

Chủ tọa điều hành diễn đàn
Kinh tế

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới" do Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25.9, các chuyên gia cho rằng, tuy đi sau nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Công ty Cổ phần xây dựng Vạn Thành Đạt, "chuyên gia" trúng thầu tiết kiệm "nhỏ giọt" tại TP. Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp

Công ty Cổ phần xây dựng Vạn Thành Đạt, "chuyên gia" trúng thầu tiết kiệm "nhỏ giọt" tại TP. Hồ Chí Minh

Công ty Cổ phần xây dựng Vạn Thành Đạt là nhà thầu quen thuộc tại các Ban quản lý dự án cấp huyện ở TP. Hồ Chí Minh. Đơn vị này thường xuyên trúng thầu dự án đầu tư công với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách "tượng trưng"; có gói thầu đơn vị này trúng trị giá gần 10 tỷ đồng, chỉ tiết kiệm ngân sách 1 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Kinh tế

Tiềm năng tăng trưởng của bất động sản bán lẻ cao cấp

Thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp đang trong giai đoạn phát triển mạnh, thu hút quan tâm của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bất chấp những thách thức ngắn hạn, phân khúc này được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn với giá thuê hàng năm tăng hai chữ số.

Ngành Lâm nghiệp chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3 (Yagi)
Kinh tế

Xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất

Diện tích rừng trồng sản xuất bị thiệt hại sau bão số 3 là hơn 170.000ha và cần 5 - 7 năm mới có thể khai thác trở lại, gây thiếu hụt gỗ nguyên liệu khoảng 3,5 triệu m3/năm. Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Cục Lâm nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất.

HDBank được bình chọn là Doanh nghiệp niêm yết lĩnh vực tài chính vốn hóa lớn có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư được Nhà đầu tư yêu thích nhất
Doanh nghiệp

HDBank là doanh nghiệp niêm yết được nhà đầu tư yêu thích nhất

Ngày 24.9, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) được bình chọn là "Doanh nghiệp niêm yết lĩnh vực tài chính vốn hóa lớn có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư được Nhà đầu tư yêu thích nhất", theo kết quả công bố tại IR Awards 2024 do Vietstock, Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí Fili đồng tổ chức.