Trước đó, vào ngày 22.8, ACB thông tin về việc phát hành lô trái phiếu ACBL2325003 với kỳ hạn 2 năm và giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.
Vào ngày 21.8 và 16.8, ACB thông tin về việc phát hành lần lượt các lô trái phiếu ACBL2325002 và ACBL2325001 với cùng giá trị phát hành là 2.500 tỷ và kỳ hạn 2 năm. Các lô trái phiếu đều có lãi suất 6,5%/năm. Như vậy, chỉ trong hơn hai tuần, ACB đã có 4 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 8.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của ACB, dữ liệu tài chính hợp nhất quý 2.2023 thể hiện, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB; mã chứng khoán ACB) có thu nhập lãi thuần ở mức 6.245 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 6% về mức 1.262 tỷ đồng, chi phí hoạt động dịch vụ trong kỳ tăng lên 458 tỷ đồng nên lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ACB giảm so với cùng kỳ về mức 804 tỷ đồng.
Quý 2, kinh doanh ngoại hối mang về cho ACB 327 tỷ đồng, mua bán chứng khoán kinh doanh sụt giảm mạnh về mức 71 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng vọt lên 407 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, ACB báo lãi trước thuế 4.832 tỷ đồng, giảm 1,7% so với quý 2 của một năm trước.
Luỹ kế 6 tháng năm 2023, thu nhập lãi thuần ACB đạt 12.460 tỷ đồng, tăng 12,7%; Lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc quý 2.2023, tổng tài sản của ACB 630.893 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 434.032 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 6 tháng trước đó. Tiền gửi khách hàng đang ở mức 432.410 tỷ đồng, tăng 4,4 % so với thời điểm 31.12.2022.
Về chất lượng cho vay, ACB đang đối diện với tình trạng nợ xấu tăng vọt sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến thời điểm 30.6.2023 đang ở mức 4.620 tỷ đồng, tăng 51,7% so với 6 tháng trước đó. Đáng chú ý, cả ba nhóm nợ (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) của ACB đều tăng mạnh. Kết thúc quý 2, tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích lên mức 1,07% (đầu năm là 0,7%).