Theo KITA Invest mã trái phiếu trên sẽ được kéo dài kỳ hạn thêm 6 tháng, kỳ trả gốc vào ngày 5.11.2023.
Lý do kéo dài kỳ hạn trái phiếu được KITA Invest đưa ra là do tình hình khó khăn chung của ngành bất động sản nên tổ chức phát hành mong muốn được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu để giảm bớt áp tài chính và ổn định hoạt động kinh doanh trong thời gian khó khăn.
Đáng chú ý, bản công bố thông tin và phụ lục kèm theo do KITA Invest gửi đến HNX chưa có thể hiện thông tin về việc các trái chủ sở hữu lô trái phiếu 500 tỷ đồng nói trên đồng ý với phương án kéo dài kỳ hạn thêm 6 tháng.
Về tình hình tài chính của KITA Invest, tính đến hết năm 2022, vốn chủ sở hữu của KITA Invest đạt 1.154 tỷ đồng.
Mức đòn bẩy tài chính của KITA Invest được đánh giá rất cao khi so với bình quân của ngành bất động sản khi có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là gần 10 lần. Như vậy, quy mô nợ phải trả của KITA Invest đang lên đến gần 11.000 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, dư nợ trái phiếu của KITA Invest tại thời điểm cuối năm 2022 gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đang vay nợ đến gần 11.000 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế của KITA Invest trong năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 2,99 tỷ đồng. Mức lãi "cò con" này khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn về việc doanh nghiệp liệu đủ sức để trả các khoản nợ khổng lồ?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp phải nhiều khó khăn hiện nay, áp lực trả nợ trái phiếu đối với KITA Invest được cho là khá lớn khi doanh nghiệp này cũng đang phải thế chấp hợp đồng đặt cọc mua đất tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
Cụ thể, vào ngày 22.3.2022, Công ty CP Kita Invest đã có hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho một ngân hàng, trong đó nêu rõ tài sản bảo đảm là tất cả các quyền tài sản và lợi ích hợp pháp mà Bên bảo đảm có được phát sinh từ Hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền tài sản của dự án Khu Đô Thị Nam Thăng Long tại địa điểm phường Phú Thượng, phường Nhật Tân và phường Xuân La (thuộc quận Tây Hồ), và phường Đông Ngạc, phường Xuân Đỉnh (thuộc quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội.
Với tham vọng tiến ra thị trường bất động sản Hà Nội bằng việc tiếp quản nhiều lô đất tại Khu đô thị Ciputra. Tuy nhiên, đến nay, thực tế cho thấy, phần lớn các thửa đất có bóng dáng KITA Group tại đây đều đang trong cảnh bỏ hoang.
Về phía công ty mẹ của KITA Invest là Công ty CP Tập đoàn KITA Group, vào tháng 9.2022, KITA Group cũng đã thế chấp cho ngân hàng tài sản gồm tất cả các quyền tài sản, toàn bộ quyền lợi và lợi ích hợp pháp mà Bên bảo đảm có được phát sinh từ và/hoặc liên quan đến Bất Động Sản là toàn bộ các căn hộ từ tầng 14 đến tầng 27 thuộc Dự án Fico Tower tại địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kita Group (Kita Group) thành lập từ những ngày đầu tháng 11.2014 với số vốn 2 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Duy Kiên góp 55%, ông Đặng Kim Khánh và bà Đặng Thị Thùy Trang mỗi người góp 22,5%.
Ban đầu, công ty hoạt động ở lĩnh vực bán buôn đồ uống với tên gọi CTCP Thực phẩm đồ uống F1. Tháng 9.2018, Kita Group đánh dấu bước chuyển sang ngành nghề kinh doanh bất động sản. Đồng thời, công ty dời trụ sở chính từ 158 Thành Thái (quận 10) về 27 Lê Quý Đôn (quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Sau Kita Group, hàng loạt các pháp nhân khác cùng họ Kita lần lượt được ra đời. Đầu tiên là CTCP Kita Land ra đời vào ngày 13.12.2018 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hoạt động ở lĩnh vực xây dựng nhà ở, do bà Đặng Thị Thùy Trang làm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Duy Kiên làm Chủ tịch HĐQT.
Sau Kita Land, hệ sinh thái của Kita Group có Kita Cons chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tòa nhà cao tầng, xây dựng khu đô thị, hoàn thiện nội thất; Kita Invest chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán sáp nhập, đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính; Kita Link chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu đổi ngoại tệ, phát triển dự án.