Vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ về việc Tập đoàn FPT sẽ tập trung phát triển lĩnh vực bán dẫn do đây được xem là “lĩnh vực quyết định lịch sử của nhân loài” trong ít nhất 25 năm tới đây. Trước đó, FPT đã gây chú ý cho giới kinh doanh công nghệ khi xuất hiện thông tin Tập đoàn này đã được nhận đặt hàng 70 triệu Chip đến năm 2025.
Các động thái kinh doanh gần đây cho thấy, FPT đang đặt mục tiêu lớn đối với ngành bán dẫn với tham vọng đào tạo 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn, bao gồm đào tạo cả các chứng chỉ chuyển đổi ngắn hạn từ các ngành liên quan như Điện tử, Viễn thông… Đồng thời, mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn.
Dữ liệu về hệ sinh thái doanh nghiệp của FPT cho thấy, để hiện thực hoá giấc mơ trở thành “ông lớn” trong ngành bán dẫn, FPT đã thành lập Công ty Cổ phần bán dẫn FPT (FPTSemiconductor).
Theo tìm hiểu, FPT Semiconductor có tuổi đời khá non trẻ khi mới thành lập vào năm 2022. Vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 10 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH phần mềm FPT (sở hữu phần lớn vốn); Trần Đăng Hoà; Nguyễn Vinh Quang. Công ty này hiện đang được điều hành bởi ông Trần Đăng Hoà với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Được kỳ vọng trở thành doanh nghiệp “cốt lõi” về lĩnh vực bán dẫn nhưng hiện FPTSemiconductor vẫn chưa có lãi.
Cụ thể, trong năm đầu tiên thành lập, doanh thu của doanh nghiệp bán dẫn ở mức gần 12 tỷ đồng, một năm sau đó, doanh thu chỉ tăng trưởng 21% lên mức hơn 14 tỷ đồng. Dù có tăng trưởng về doanh thu nhưng trong hai năm đầu hoạt động, FPTSemiconductor liên tiếp báo lỗ, đáng chú ý khoản lỗ của năm 2023 gấp hơn 4 lần so với năm 2022 lên mức hơn 7,5 tỷ đồng.
Việc thua lỗ kéo theo vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp rơi từ mức 8,1 tỷ đồng năm 2022 về mức hơn 0,5 tỷ đồng khi kết thúc năm 2023. Rõ ràng, với khởi đầu nêu trên, Công ty bán dẫn của FPT sẽ còn rất nhiều việc phải làm khi muốn trở thành doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Mở rộng thêm về lãnh đạo của FPT Semiconductor, không chỉ đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị ở FPT Semiconductor, ông Trần Đăng Hoà còn đang giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT của FPT IS. Theo đó, kể từ đầu năm 2023, sau khi rời khỏi Fsoft ông Hoà đã chuyển sang vị trí lãnh đạo cao nhất của FPT IS.
FPT IS là một trong những doanh nghiệp trụ cột của hệ sinh thái thuộc Tập đoàn FPT chuyên cung cấp các giải pháp dịch vụ công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Việc điều hành hai công ty nêu trên cho thấy ông Trần Đăng Hoà đang là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển bán dẫn của Tập đoàn FPT.
Khác với FPT Semiconductor, FPT IS là doanh nghiệp đã đi vào hoạt động 15 năm với vốn điều lệ đạt mức 1.300 tỷ đồng và quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Tính riêng trong giai đoạn 5 năm gần đây, doanh thu của FPT IS có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, năm 2019, doanh thu của FPT IS đạt gần 5.000 tỷ đồng, chỉ sau đó 4 năm, khi kết thúc năm 2023 doanh thu của FPT IS đã tăng lên hơn 6.700 tỷ đồng. Tính tổng giai đoạn 5 năm gần đây doanh thu của FPT IS ở mức gần 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu “khủng” nhưng giá vốn bỏ ra của FPT IS luôn được công bố ở mức cao. Sau khi trừ đi các chi phí của doanh nghiệp, lợi nhuận của FPT IS loanh quanh ở mức 200 tỷ đến hơn 300 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng chỉ ở mức hơn 4% đến hơn 5%, dù vậy cũng là mức cao so với trung bình ngành trong giai đoạn vừa qua.
Có thể thấy, bán dẫn đang là lĩnh vực đầy tiềm năng hứa hẹn, tuy nhiên Việt Nam đang rất thiếu nhân lực trong ngành bán dẫn, đồng thời chưa có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành này.
FPT đang “chạy đua” trong việc bù đắp nhân lực khi Đại học FPT đã công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.