Phát hành hơn 6,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 1
Theo FiinRatings, tính đến 5.2.2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6,45 nghìn tỷ từ 4 doanh nghiệp.
Dẫn đầu là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) phát hành 2,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu, trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.
Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng phát hành thành công 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.
Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận phát hành 1,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm. Công ty CP Đầu tư và phát triển vận tải (doanh nghiệp chưa đại chúng) phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 6,5%/năm.
Giá trị phát hành trong tháng 1 dù khá khiêm tốn song vẫn tích cực nếu so cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng. Dù vậy, mức 6,45 nghìn tỷ vẫn còn khoảng cách khá xa so với 10,4 nghìn tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021 và 19,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Hiện, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới, chủ yếu là các ngân hàng như HB Bank, VietBank và hai doanh nghiệp bất động sản (Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển - DIG).
Thị trường có thể phục hồi rõ nét từ cuối năm nay
Theo các chuyên gia của FiinRatings, hiện rất khó dự báo được giá trị phát hành cho cả năm nay, song nhìn chung, có nhiều triển vọng tích cực để thị trường sôi động hơn so với 2023.
Theo đó,ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Hiện, nhóm này vẫn chưa công bố hết kế hoạch, song các chuyên gia nhận định hầu hết ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo. Việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, như yêu cầu về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, theo FiinRatings, nguồn cung trái phiếu sẽ được mở rộng sang cả các công ty tài chính tiêu dùng khi bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại. Đối với thị trường bất động sản, những biện pháp tháo gỡ pháp lý, nhất là đối với phân khúc trung và thấp cấp, sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý dự án để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Một yếu tố nữa là môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Để tạo hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất trong nước được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới. Trong báo cáo chiến lược năm 2024 công bố mới đây, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong quý II.2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4,0% và lãi suất chiết khấu về 2,5%. Việc lãi suất thấp được xác định là chất xúc tác lớn cho các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một chỉ dấu quan trọng cho triển vọng lạc quan của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay là niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, có 7% trong tổng số hơn 300 tỷ trái phiếu riêng lẻ chào bán thành công năm 2023 đã được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Dù đây là mức rất khiêm tốn so với mức trên 30% giai đoạn 2019 - 2022, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng về sự khôi phục niềm tin và sự chấp nhận rủi ro khi đầu tư sản phẩm này theo những quy định mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ sở nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần được mở rộng hơn nữa thay vì chủ yếu là các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân như hiện nay.
Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia Khối phân tích VNDirect cho rằng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể trầm lắng trở lại nếu không có chính sách hỗ trợ thay thế cho Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, hết hiệu lực từ ngày 1.1.2024; trong khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc… chính thức có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024.
Do đó, bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong dài hạn, nên tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi cả nhà điều hành, các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp phát hành cùng nỗ lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối năm nay, chuyên gia của VNDirect nhận định.