Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt nhất những thay đổi khi chuyển đổi từ dự án điện dùng nhiên liệu than sang sử dụng điện khí LNG.
Theo đó, Tập đoàn Công Thanh đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt nhất những thay đổi khi chuyển đổi dự án sang sử dụng điện khí LNG. Cụ thể, về công suất, với diện tích hiện có đã hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt đến cao độ thiết kế, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhà máy điện khí LNG chu trình hỗn hợp, công suất tới 3.000 MW (4 tổ máy công suất 750 MW), diện tích các khu vực chính gồm mặt bằng nhà máy chính 64 ha; mặt bằng kho cảng LNG 22,5 ha; tuyến hành lang kỹ thuật gồm đường ống cấp thải nước làm mát, cấp khí 10,5 ha; mặt nước khu cảng LNG 100 ha.
Trường hợp chọn tổ máy có công suất cao hơn (800 MW hoặc 1.000 MW) thì tổng công suất nhà máy sẽ nâng lên tương ứng (4.000 đến 5000 MW).
Tuy nhiên, Công Thanh đề nghị giai đoạn trước năm 2030, xây dựng và đưa vào vận hành 1.500 MW tương ứng là 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 750 MW, mới khai thác được 50% lợi thế của địa điểm đã có sẵn.
Về điện năng, Dự án sẽ tăng điện năng sản xuất từ 3,9 tỷ kWh/năm lên 9 tỷ kWh/năm, tương ứng với công suất 1.500 MW. Với những thay đổi đó, tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Về Tổ hợp nhà đầu tư, Tập đoàn Công Thanh đã khảo sát, đánh giá năng lực các nhà đầu tư quốc tế và đã lựa chọn, đàm phán và ký Thỏa thuận Hợp tác đầu tư dự án điện khí LNG Công Thanh 1.500 MW với các nhà đầu tư hàng đầu, có năng lực tốt trên thế giới gồm BP (BP Gas & Power Investment - Anh Quốc), GE (GE Capital Limited - Hoa Kỳ) và Actis (Actis Ambergen 2 Ltd - Anh Quốc).
Trên cơ sở kinh nghiệm, năng lực, sở trường mỗi bên, Tổ hợp đã thỏa thuận phân công nhiệm vụ mỗi thành viên: (1) Công Thanh sẽ chủ trì trong đảm bảo đầu tư xây dựng cũng như vận hành nhà máy theo quy định của pháp luật cho Dự án; (2) BP: Là Nhà khai thác, cung cấp khí, đầu tư nhà máy điện khí: cung cấp vốn, cung cấp giải pháp kho cảng, cung cấp khí cho dự án vận hành ổn định với giá cạnh tranh quá trình vận hành sau này, cũng như tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế; (3) Actis: Là Quỹ đầu tư, thu xếp vốn và đầu tư nhà máy điện. Actis chịu trách nhiệm chính trong việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại. (4) GE: Là nhà chế tạo thiết bị điện hàng đầu thế giới. GE chịu trách nhiệm chính trong cung cấp thiết bị như turbin, máy phát… nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp với công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo môi trường, có thể sử dụng khí Hydrogen. Đồng thời GE tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại.
Căn cứ Quy định hiện hành của Chính phủ, Trên cơ sở mặt bằng đất sẵn có, Nghiên cứu Tiền khả thi Dự án đã hoàn thành, Tổ hợp nhà đầu tư đã sẵn sàng cho việc đầu tư Dự án. Công ty đã lập kế hoạch đầu tư Dự án gồm những mốc và công việc chính sau:
Từ nay đến cuối năm 2025 (hơn 2 năm) thực hiện: Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án điện LNG Công Thanh 1.500 MW; Hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án; Điều chỉnh Hợp đồng mua bán điện; Hoàn thành Thiết kế kỹ thuật; Lựa chọn nhà thầu EPC; Hoàn thành thu xếp vốn.
Giữa năm 2025: Khởi công xây dựng nhà máy chính và các công trình, hạng mục đồng bộ. Thời gian xây dựng nhà máy turbin khí chu trình hỗn hợp: 3 năm, đồng thời hoàn thành công tác chuẩn bị sản xuất, cung cấp khí cho vận hành. Giữa năm 2028 đưa lần lượt từng tổ máy vào vận hành.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn, việc đưa dự án vào vận hành từ 2028 không những đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Thanh Hóa, mà Dự án còn cấp điện cho khu vực trung tâm phụ tải miền Bắc.
Với nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, trong khi miền Bắc khó có dự án nhà máy điện lớn nào có thể vào vận hành trước năm 2030, thì việc Dự án điện khí LNG Công Thanh 1.500 MW nếu được đưa vào vận hành năm 2028 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Điện gió, Điện khí LNG là giải pháp cần sớm thúc đẩy
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), vấn đề an ninh năng lượng và phát triển nguồn điện của nước ta thời gian tới hết sức cấp thiết. Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này.
Hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, điều chúng ta cần tính bây giờ là phát triển nguồn điện ở miền nào, kế hoạch ra sao để đảm bảo hiệu quả.
Quy hoạch vẫn tiếp tục phát triển nhiều nguồn điện than, điều này không còn phù hợp với cam kết “xanh, sạch” khi Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống gần bằng 0 vào năm 2050.
Việc đưa quá nhiều nguồn điện than vào Quy hoạch điện VIII là bất cập khi thời gian qua phần lớn nguồn điện này bị chậm tiến độ. Báo cáo tại Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều về vấn đề này. Hiện tại, có thể phát triển những dự án điện than đã có trong các quy hoạch trước, tuy nhiên, cần tính toán dự báo khả năng chậm tiến độ để có các dự án nguồn thay thế.
Nên tiến tới bỏ không làm mới trong 5-10 năm nữa, mà thay thế bằng việc phát triển các nguồn mới theo mục tiêu của cam kết đề ra. Điện khí, điện gió, điện mặt trời là những lựa chọn đã được nêu trong quy hoạch điện VIII.
Tuy nhiên, với điện mặt trời, còn đó những băn khoăn khi nhiều cảnh báo về tác hại môi trường của tấm pin mặt trời, khi hạn sử dụng chỉ khoảng 20-25 năm. Sau thời gian này cần xử lý ra sao cũng cần có kế hoạch cụ thể để xử lý. Bởi vậy, giai đoạn hiện tại, điện gió, điện khí LNG là giải pháp cần sớm thúc đẩy.