Khuyến nông

Nghệ An nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông

- Thứ Ba, 22/11/2022, 15:52 - Chia sẻ

Năm 2021 ngành khuyến nông tỉnh Nghệ An triển khai được hơn 30 mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp về cây con và thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó được nhiều huyện, xã nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Hỗ trợ vật tư, con giống gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật

Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Về trồng trọt, mô hình sản xuất lúa lai từ vài ha năm 1992 đến nay diện tích lên đến hàng vạn hecsta, đưa năng suất bình quân của cả tỉnh lên 6 - 7 tấn/ha. Đến nay 100% được sản xuất bằng các giống ngô lai có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và thời gian sinh trưởng ngắn, nhờ đó năng suất bình quân từ 25 - 30 tạ/ha tăng lên 50 - 60 tạ/ha. Đối với cây lạc, trước đây nông dân chỉ dùng các giống lạc địa phương năng suất thấp không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì nay được thay bằng các giống lạc có năng suất cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc của Nghệ An thuộc tốp đầu cả nước. Đặc biệt giống bò cỏ thấp bé nhẹ cân được thay thế bằng giống bò theo chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa, bò chất lượng cao.

Về thủy sản, bà con nông dân vùng ven biển đã đưa những giống tôm mới, cá mới có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.

Từ năm 2010, Nghệ An đã dành nguồn lực để Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị sản xuất con giống của tỉnh nghiên cứu, bảo tồn, sản xuất giống, hỗ trợ các vùng nuôi. Bên cạnh đó, từ nguồn chương trình giảm nghèo dành cho các huyện đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ giống cho các địa phương triển khai mô hình nuôi trồng khai thác thế mạnh địa phương. Từ đây, bà con vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong), Bản Vẽ, Khe Bố (Tương Dương) có hàng loạt mô hình nuôi cá lồng bè, trong đó có những con đặc sản như cá trắm đen, cá lăng, vịt trời…

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định 3736/QĐ-UBND ngày 25.8.2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông phục vụ người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ vật tư, con giống gắn với hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Giai đoạn này, Nghệ An đã hỗ trợ gần 193 tỷ đồng thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản. Tập trung nguồn lực hỗ trợ nhiều giống vật nuôi địa phương cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể, năm 2016, tỉnh hỗ trợ 3.600 vịt bầu Quỳ (có nguồn gốc từ huyện Quỳ Châu) cùng với thức ăn chăn nuôi cho hơn 7.000 hộ dân. Năm 2017, tỉnh hỗ trợ hơn 2.000 con bê cái địa phương, 568 con lợn nái đen. Năm 2018, tỉnh hỗ trợ 1.960 con bê cái địa phương. Năm 2019, tỉnh hỗ trợ 449 con dê giống địa phương cho các hộ dân.

Có thể thấy, việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các địa phương đã và đang giúp người dân có thu nhập cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó cũng giảm dần qua từng năm, đồng thời giúp sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh tốt hơn.

Nghệ An hỗ trợ con giống bò, giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Nguồn: ITN
Nghệ An hỗ trợ con giống bò, giúp nông dân tăng thêm thu nhập
​​Nguồn: ITN

Nhân rộng mô hình, tạo ra sản phẩm chất lượng

Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến nông. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thì các mô hình khuyến nông không những là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; mà còn hỗ trợ về vốn, giống, từ đó giúp nông dân vượt qua khó khăn, thoát nghèo hiệu quả.

Lãnh đạo UBND xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) cho biết, nhờ thực hiện tốt chương trình hỗ trợ con giống chăn nuôi bò, lợn, phát triển lâm nghiệp mà tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 41% (năm 2015) giảm xuống còn 24,6% (2020). Trên địa bàn xã Châu Thắng đã xuất hiện nhiều tấm gương thoát nghèo điển hình. Đơn cử như gia đình anh Vi Văn Hải, xuất phát là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, thu nhập không ổn định. Năm 2018, gia đình anh được hỗ trợ một cặp bò cái từ dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đến nay số lượng bò của gia đình anh Hải đã tăng lên 6 con. Thành công bước đầu từ nuôi bò, anh Hải nuôi thêm cá, lợn, từ đó tăng thu nhập, dần thoát nghèo.

Đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng với số lượng hơn 8.000 con tại khu vực lồng nuôi của anh Trần Văn Thuận - Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hủa Na (bản Piềng Văn  - Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong). Được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cá ít bệnh, sinh trưởng, phát triển rất tốt, cho năng suất cao.  Anh Trần Văn Thuận chia sẻ, hiện HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hủa Na có số lồng gần 300 cái, riêng gia đình anh có 70 lồng đã được thả nuôi cá trắm, cá diêu hồng…, lợi nhuận thu về khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An Tạ Quang Sáng nhìn nhận, năm 2021 là một năm rất khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng ngành khuyến nông tỉnh vẫn triển khai được hơn 30 mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp về cây con và thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ các mô hình thành công đó, đến nay nhiều huyện, xã đã tiến hành nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Thảo Anh