Năm thành công nhất về mở cửa thị trường nông sản

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 06:18 - Chia sẻ

Ngày 24.11, Cục Bảo vệ thực vật họp báo công bố hoàn thành mở cửa thị trường cho nhãn, khoai lang, chanh, bưởi. Với kết quả này, năm nay được đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay khi “chính ngạch hóa xuất khẩu” được 7 loại nông sản. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, xuất khẩu chính ngạch sẽ tạo động lực cho nông dân sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn, từ đó củng cố uy tín xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm khoai lang, nhãn, chanh, bưởi được xuất chính ngạch

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngày 22.11.2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trên trang web của mình về yêu cầu kiểm dịch này. 

Năm thành công nhất về mở cửa thị trường nông sản -0
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Trung Hiếu

Bốn ngày trước đó (18.11), Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản cũng đã công bố trên trang web của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào nước này.

Ngoài ra, quả chanh, bưởi của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15.11.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải điều tra giám sát các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ nhiễm sinh vật gây hại. Phải lưu giữ hồ sơ về giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được chuyển đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu...

Trong khi đó, nhãn tươi xuất sang Nhật Bản phải được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt. Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Đồng thời, bảo đảm không có đối tượng kiểm dịch thực vật sau khi đã được kiểm tra kiểm dịch của Cơ quan bảo vệ thực vật. 

Với chanh, bưởi xuất khẩu sang New Zealand, vườn trồng được quản lý dịch hại các đối tượng kiểm dịch thực vật mà New Zealand quan tâm và được cấp mã số cùng cơ sở đóng gói. Sản phẩm phải được chiếu xạ kèm và theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Động lực để nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn

Như vậy, trong năm 2022, Việt Nam đã “chính ngạch hóa xuất khẩu” cho 7 loại nông sản gồm: chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc), nhãn (sang Nhật Bản) bưởi, chanh (sang New Zealand). Với kết quả này, năm nay được đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay trong việc mở cửa thị trường cho nông sản.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa được thị trường, ký kết các Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch và tạo động lực cho nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn. Khi đó, uy tín xuất khẩu của Việt Nam sẽ được củng cố và nâng tính cạnh tranh.

"Theo yêu cầu của đối tác và kiểm dịch thực vật, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải 10ha trở lên. Điều này khuyến khích người dân chung tay hợp tác với nhau. Thực tế, các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua đều có diện tích trên 10ha, có mã số lên đến hàng trăm hécta. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu chính ngạch, người dân buộc phải nâng cao trình độ, kiến thức để bảo đảm kiểm soát các sinh vật gây hại mà không ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, phải áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau để tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả tăng lên. Điển hình, sầu riêng giá đã tăng gấp 3 so với trước khi có Nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân", Cục trưởng Hoàng Trung cho biết.

Thời gian tới, để thúc đẩy và tạo động lực cho việc xuất khẩu các sản phẩm mới, hoàn thành mở cửa thị trường, Bộ NN - PTNT sẽ tổ chức các sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên đối với các sản phẩm trên. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan các quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn.

Ông Hoàng Trung khẳng định, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương sẽ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và nông dân bảo đảm cho các lô hàng khoai lang, nhãn, chanh, bưởi nhanh chóng đến với người tiêu dùng của Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản.

Hà Lan