Đây là thông tin được nêu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 6.6.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 2024 tiếp tục là một năm mà bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường. Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, xu hướng gần đây, một số nước đã triển khai các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Điều này làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.
Cùng với đó, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp… Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro,tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…
“Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu.
Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, trên thế giới, dịch vụ quản lý tài sản, quản lý gia sản đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển. Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 9,85% cho đến năm 2028.
Tuy nhiên, theo ông Minh, sự bất ổn tài chính và tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế lớn đã khiến dòng vốn của thị trường quản lý tài sản đang có sự dịch chuyển dần sang các thị trường mới nổi, trong đó có Đông Nam Á, nơi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp nhà đầu tư giàu có.
Thái Lan và Việt Nam được nhận định sẽ là hai thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực. Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Theo các đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với đầy rẫy những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam; Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng; việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết. Ứng với mỗi kịch bản kinh tế sẽ là một danh mục tài sản đầu tư được xây dựng cẩn trọng và bền vững, lựa chọn kỹ càng sản phẩm đầu tư từ đơn vị uy tín sẽ là vấn đề mấu chốt nhằm vừa mang lại hiệu quả, vừa quản trị rủi ro chặt chẽ và phù hợp khẩu vị cho từng nhà đầu tư Việt Nam.
Tại diễn đàn, các diễn giả thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ cùng những thách thức và cơ hội; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 25 đơn vị; trao 35 cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu với 6 hạng mục (dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo; nhà phát triển bất động sản có giải pháp tài chính toàn diện).