Mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn

- Thứ Tư, 03/04/2024, 18:08 - Chia sẻ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc thiếu quỹ đất, vốn đầu tư, đầu ra không ổn định... đang là những khó khăn mà nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp phải khi muốn đưa mô hình vào sản xuất.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có 560 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 220 hợp tác xã trồng trọt, 73 hợp tác xã chăn nuôi, 7 hợp tác xã lâm nghiệp, 4 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 1 hợp tác xã nước sạch nông thôn và 255 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp. Tổng doanh thu của các hợp tác xã đạt khoảng 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 10% số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao của nhiều hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp khó, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn   -0
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa (Đồng Hỷ) mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: ITN

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa trên địa bàn xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, được thành lập năm 2020 với 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 350 triệu đồng, đăng ký kinh doanh các ngành nghề: trồng, chế biến và tiêu thụ rau, củ, quả. Hiện hợp tác xã có tổng diện tích đất sản xuất trên 5ha, chủ yếu trồng các loại rau màu theo mùa vụ.

Mặc dù cùng tham gia vào hợp tác xã nhưng từ khi thành lập đến nay các thành viên vẫn sản xuất theo hướng truyền thống. Do đó, năng suất, chất lượng cây trồng không cao. Chính vì vậy, hợp tác xã đang có dự định ứng dụng nông nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng.

Ông Miêu Văn Long, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: mong muốn là vậy nhưng do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, từ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, máy làm đất đa năng... nên đến nay chúng tôi chưa triển khai được. Hợp tác xã mong muốn được tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để thực hiện mô hình.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao phường Đông Cao, TP. Phổ Yên  đang gặp khó khăn về quỹ đất để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trước đây, hợp tác xã có trên 6ha đất sản xuất các loại rau màu và cây gia vị nhưng đã phải nhường lại phần lớn diện tích để thực hiện Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 và khu dân cư Đông Cao, chỉ còn lại vài sào.

Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ năm 2020, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hợp tác xã đã đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động... trị giá hàng tỷ đồng để sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Giờ diện tích canh tác bị thu hẹp, không muốn lãng phí cơ sở vật chất và trang thiết bị đã đầu tư, chúng tôi đã hỏi thuê lại đất sản xuất nông nghiệp của người dân trong phường nhưng đa phần bà con không đồng ý.

Đối với Hợp tác xã nông sản an toàn Yên Đổ, xã Yên Đổ, Phú Lương, thì rào cản lớn nhất để áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Ông Lương Ngọc Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ khi thành lập vào năm 2017 đến nay, chúng tôi rất muốn áp dụng mô hình này vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng các loại rau quả. Tuy nhiên, sản phẩm của hợp tác xã vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vì vây, hợp tác xã chưa dám bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư theo mô hình này.

Không chỉ có những dẫn chứng kể trên mà hiện nay nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp những trở ngại tương tự khi muốn áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Do vậy, các hợp tác xã đang rất mong muốn được các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phan Phương
#