- Đồng Nai: Thu hồi đất nếu Công ty Bitexco không xây dựng công trình theo quy hoạch được duyệt
- Nợ trái phiếu dồn dập, kinh doanh thua lỗ, thành viên của Bitexco kiếm đâu tiền để trả gốc 3.000 nghìn tỷ?
- Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để Bitexco hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định, thất thu ngân sách nhà nước
- Bitexco nợ 16 tỷ đồng bồi thường mặt bằng tại dự án The One
Trái chủ nếm “trái đắng”
Vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân nhận được phản ánh của hàng loạt cử tri là trái chủ của các lô trái phiếu do Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco) phát hành.
Theo đó, năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỉ đồng, mục đích để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon, một Dự án Khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn ở ngay trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là công trình có vị trí "vàng" khi nằm tại đối diện chợ Bến Thành.
Tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu này gồm phần vốn góp tại công ty TNHH Saigon Glory; công trình trên đất hình thành trong tương lai là Tháp A - cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. Công ty Saigon Glory cam kết lãi trái phiếu trả 3 tháng một lần, nợ gốc có thể được mua lại trước hạn hoặc thanh toán vào ngày đáo hạn của trái phiếu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi đã đáo hạn các lô trái phiếu, Công ty Saigon Glory không trả được gốc và chậm trả một số kỳ lãi khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng vì lo sợ sẽ mất đi số tiền gom góp cả đời đem đầu tư vào trái phiếu.
Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu thông qua Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Do đó, khi Công ty Saigon Glory chậm thanh toán, liên tiếp các trái chủ của Công ty TNHH Saigon Glory tìm đến trụ sở Công ty Chứng khoán Tân Việt (ở Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) để yêu cầu giải quyết quyền lợi song chưa có kết quả.
Trường hợp của anh Trần Văn Lâm (SN 1980, trú tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Anh Lâm phải bỏ công việc để đi ra Hà Nội nhiều ngày nhằm mục đích tìm đến các cơ quan chức năng để chuyển đơn kêu cứu của gia đình anh và hàng loạt trái chủ khác đã lỡ “ôm” trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory .
Anh Lâm chia sẻ, tháng 7 năm 2020, vợ anh đứng tên mua 18.000 trái phiếu của Saigon Glory (tương đương 1,8 tỷ đồng) với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11%/năm, trả lãi 3 tháng một lần. Đến đầu năm 2023 vừa qua, anh Lâm và vợ sốt ruột khi phía Saigon Glory bắt đầu chậm trả lãi và khi đến hạn đáo hạn là ngày 21.7.2023 vừa qua phía doanh nghiệp cho biết không thể thanh toán được gốc và lãi chậm. “Gia đình tôi đang rất hoang mang vì phía doanh nghiệp xin khất nợ đến 2025 và không đưa ra được kế hoạch cụ thể cho việc thanh toán mà chỉ nói chung chung”, anh Lâm nói.
Tương tự như anh Lâm, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, trú tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào các ngày 14.3.2022, 28.3.2022 và 28.4.2022 đã mua tổng cộng 5.000 trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt. Theo cam kết, vào các ngày 14.3.2023, 28.3.2023 và 28.4.2023 là ngày đáo hạn trái phiếu, Công ty TNHH Saigon Glory có trách nhiệm thanh toán cho bà Vân đầy đủ số tiền gốc và lãi nhưng đã quá hạn Công ty này không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Một trường hợp khác là chị Lê Thị Thanh Hương, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, chị Hương bỏ ra 665 triệu đồng mua trái phiếu và đã quá thời gian đáo hạn, chị Hương vẫn đang bị phía Công ty TNHH Saigon Glory nợ gốc và lãi.
Trong số hàng trăm trái chủ, nhiều trường hợp đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi lỡ đầu tư toàn bộ tiền mặt tích cóp nhiều năm vào trái phiếu. Một số trường hợp khi mua trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory với hy vọng có lãi suất cao hàng tháng để chi trả viện phí nhưng khi phía doanh nghiệp này không thể trả cả gốc và lãi khiến họ rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Tài sản bảo đảm thiếu hụt hơn 7.000 tỷ đồng
Mặc dù phía Sài Gòn Glory huy động hàng chục nghìn tỷ từ trái phiếu để thực hiện dự án The Spirit of Saigon. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế cho đến thời điểm hiện tại dự án The Spirit of Saigon vẫn đang dang dở. Khu vực Tháp A (tài sản đảm bảo của lô trái phiếu) mới xây đến tầng 4 (xây đủ là 42 tầng).
Đáng chú ý, tại cuộc họp mới đây vào ngày 6.10.2023 về việc bàn giao tài sản bảo đảm của trái phiếu đã nêu rõ, tại thời điểm tháng 8.2023, khi định giá, Tháp A (tài sản đảm bảo của lô trái phiếu) tương đương khoảng 4.600 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi một số chi phí).
Theo ý kiến Đại diện người Sở hữu Trái phiếu, giá trị thẩm định nêu trên của Tháp A đang thiếu hụt hơn 7.000 tỷ đồng so với tỷ lệ bảo đảm tối thiểu theo Văn Kiện Trái phiếu.
Liên quan đến sự vấn đề này, Đại diện người Sở hữu trái phiếu đang đề nghị Tổ chức quản lý tài sản bảo đảm giải thích lý do của sự thiếu hụt nghiêm trọng nêu trên.
Được biết, Sài Gòn Glory do Tập đoàn Bitexco sở hữu 100% vốn điều lệ, thành lập tháng 6.2018. Hiện tại công ty có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Năm 2022 vừa qua Saigon Glory ghi nhận lỗ 152 tỷ đồng, nợ phải trả đang gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, lên 27.300 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,1 tỷ USD, trong đó nợ trái phiếu 10.000 tỷ đồng.
Công ty mẹ Tập đoàn Bitexco thành lập năm 1993, hiện vốn điều lệ 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Bảo nắm giữ 40% và ông Vũ Quang Hội nắm giữ 60% vốn. Ông Vũ Quang Hội là anh trai ông Vũ Quang Bảo. Ông Vũ Quang Bảo cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên tại Sài Gòn Glory.
Bitexco hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ. Ở mảng bất động sản, những công trình Bitexco đã hoàn thành có thể kể đến như tòa nhà văn phòng Bitexco, Khu đô thị The Manor hà Nội, Khách sạn JW Mariott Hà Nội…
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan tới sự việc nêu trên để thông tin tới bạn đọc và cử tri cả nước.