TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:
Nâng cao nội lực ứng phó với thay đổi
Bước vào năm 2023 với những khó khăn và thách thức mới, các doanh nghiệp chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây là yếu tố giúp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cải thiện và mở rộng hơn.
Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải chỉ ở chuyện chất lượng, giá cả sản phẩm hay năng suất lao động, mà doanh nghiệp phải tiếp cận tư duy kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững. Bên cạnh các chỉ tiêu về lợi nhuận, vấn đề môi trường, xã hội, quản trị đều phải đưa vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Trong các hiệp định tự do về kinh tế đều hàm chứa vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, phát triển bền vững và trách nhiệm trong kinh doanh. Quan sát sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, những doanh nghiệp nào theo hướng phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm xã hội sẽ đứng vững hơn khi gặp khủng hoảng. Những doanh nghiệp này luôn nhận được sự chia sẻ từ đối tác, khách hàng, cán bộ công nhân viên.
Có thể thấy trách nhiệm xã hội, sự phát triển bền vững bây giờ không phải là sự lựa chọn mà là con đường độc đạo cho phát triển. Tư tưởng này, chiến lược này phải được xâu chuỗi, gắn kết trong chuỗi giá trị và cung ứng của doanh nghiệp, thống nhất từ lãnh đạo doanh nghiệp đến cán bộ nhân viên.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải quan tâm đến việc đa dạng hóa các nguồn cung ứng vốn. Không phải chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn khác từ xã hội. Do đó, việc khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu là hướng đi rất quan trọng. Việc này cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách về phát triển thị trường vốn. Chính phủ cần có biện pháp khôi phục, hỗ trợ thị trường trái phiếu, phát triển thị trường vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là lành mạnh hóa thị trường tín dụng.
An toàn pháp lý trong kinh doanh rất quan trọng. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh để tránh phát sinh rủi ro.
Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như đầu tư công; tránh đưa ra những quyết sách đột ngột, không dự báo trước khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng. Chính phủ cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn chứ không đơn thuần là giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Làm được điều này sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vượt qua thách thức, phát triển bứt phá trong thời gian tới.
PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Đầu tư công có thể là cứu cánh
Kinh tế Việt Nam năm 2022 thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8,02% trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,15%. Đà phục hồi này sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm 2023. Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng chứ không phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo "dư địa" mở rộng phù hợp chính sách tài khóa...
Tuy vậy, dễ nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại như: các chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư; vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết... Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng.
Trong bối cảnh đó, cần duy trì ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi trong năm qua để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định. Các chương trình, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình hỗ trợ phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua… cần được triển khai nhanh hơn, tác động tích cực, mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế.
Đầu tư công có thể là “cứu cánh” để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay: dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt. Tất nhiên, để nguồn lực đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất, dòng vốn phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ; ngược lại thì tăng trưởng sẽ không như mong muốn và có thể còn gây bất ổn.
Ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land:
Đi sâu vào cải cách thể chế cho kinh tế thị trường
Năm 2023 sẽ tiếp đà khó khăn của 2022, tình hình thế giới còn nhiều biến động, bất ổn; lạm phát có thể tăng và đạt đỉnh vào cuối năm 2023. Lĩnh vực bất động sản cũng tiếp tục khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do thiệt hại từ năm 2022 khiến rất nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng cộng với tâm lý bắt đáy đang chờ thị trường giảm sâu hơn. Có thể từ quý III.2023 trở đi mới thấy điểm sáng.
Tuy nhiên, "trong nguy có cơ"! Theo tôi “cơ” trong năm 2023 đó là thị trường sẽ phân hóa mạnh mẽ, những đối tượng hoạt động kinh doanh không chuyên nghiệp, sức khỏe yếu, các hành vi, tư duy phát triển doanh nghiệp lệch lạc sẽ bị đào thải. Cùng với đó, năm 2023 động lực tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi thị trường đã có sự thanh lọc. Về phía Chính phủ cũng sẽ tung ra nhiều giải pháp kinh tế để kích thích thị trường phục hồi. Trước những thách thức lớn, “cơ” sẽ đến với những người có sự chuẩn bị.
Các chính sách của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã tác động lớn đến thị trường, có tác dụng cao song doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được hưởng lợi nhiều. Bên cạnh đó, mức độ thực hiện vẫn chưa xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Do đó, để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, quy trình cần cắt bớt khâu trung gian; các chính sách cần bổ trợ nhau, hợp nhất hơn, không bị chồng chéo, dẫm chân nhau; cần chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT để doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng nhiều hơn. Đi cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua đào tạo, xúc tiến thương mại; giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Quan trọng nhất với doanh nghiệp vẫn là một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng dựa trên khung thể chế, pháp lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và có tính dẫn dắt. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi Quốc hội và Chính phủ tiếp tục duy trì nỗ lực cải cách thể chế, đặc biệt là đi sâu vào cải cách thể chế cho kinh tế thị trường để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.