Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam

- Chủ Nhật, 02/04/2023, 18:31 - Chia sẻ

Ngày 2.4, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần II với chủ đề: Để Kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế.

z4230950585454_12f5387bddfeb1a74c60a489d139ee9b.jpg -0
Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều khẳng định, Đảng đã xác định hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 6.3.2017 của Đảng cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực lượng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về lượng và chất, hiệu quả, bền vững; xóa bỏ mọi rào cản, kiến ​​nghị, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

z4231815214230_f6d3a1e5fa2c9d721cc6dc277c2abf3b.jpg -0
Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều phát biểu khai mạc

Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, kinh tế tư nhân đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với công nghệ 4.0, công nghệ số và những tiến bộ đột phá về khoa học công nghệ đang làm cho cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng, đi cùng với đó là dịch bệnh đã và đang diễn ra phức tạp. Những tác nhân này đã tạo ra nên khó khăn, thách thức không nhỏ với hoạt động kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung.

Diễn đàn lần này là dịp để các chuyên gia uy tín hàng đầu đất nước và các doanh nhân đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân; từ đó rút ra những bài học cần thiết cho quá trình phát triển mới. Đồng thời đề xuất, hiến kế cho Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, kinh tế đất nước nói chung.

Diễn đàn đã tập trung trao đổi, khơi gợi các giải pháp căn cơ để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt khó vươn lên, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt trước những thay đổi mang tính chất tất yếu của thời đại và biến chuyển như vũ bão của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga nhận định, xuyên suốt Đại hội Đảng XII và Đại hội Đảng XIII, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Thời gian qua, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế; đóng góp hơn 30% ngân sách nhà nước… Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (từ năm 2021 - 2030) tiếp tục đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.

na.jpg -0
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Diễn đàn

Đề cập đến các mặt hạn chế, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho biết, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP song tốc độ tăng trưởng của khu vực có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cùng với đó, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%). Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm.

Bởi vậy, theo ông Lực, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh...

Doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro. Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Tích cực kiến ​​tạo và phát triển môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách.

Trang Nhung
#