Đề xuất cấm nhập khẩu gà thải loại
Ba tuần trước, ngày 12.3, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đồng loạt ký văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, trong đó đề xuất kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Lý do bởi các hiệp hội lo ngại việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi sẽ gây rủi ro lây lan dịch bệnh, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước, làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước. Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.
Những lo ngại đó tiếp tục làm nóng cuộc họp giao ban Khối Chăn nuôi quý II do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 2.4. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt trong công tác chống buôn lậu, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu qua đường tiểu ngạch (nhập lậu) đã ít dần, cũng đã kiểm soát được việc buôn lậu sản phẩm này qua đường biên giới phía Bắc, song ở biên giới phía Nam vẫn diễn ra.
Ông Sơn đưa ra con số cập nhật vào sáng cùng ngày; theo đó, trung bình mỗi tuần, cả nước nhập khẩu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt Lào, tương đương 240 tấn. Như vậy, một tháng có khoảng trên 700 tấn gà đẻ thải loại vào Việt Nam, trong đó nhiều gà xuất xứ từ Thái Lan. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp được nhập khẩu chính thức đã trà trộn gà không được kiểm soát chất lượng vào các xe hàng, dẫn đến rủi ro an toàn thực phẩm, dịch bệnh. Không những thế, sản phẩm nhập lậu còn kéo giá một số mặt hàng trong nước giảm xuống, gây thiệt hại cho người nông dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ với lo ngại này, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương dẫn số liệu cho thấy “chúng ta không thiếu thực phẩm”; theo đó, trong quý I.2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2023 (trong đó thịt lợn đạt 1293,9 nghìn tấn, tăng 5,1%; thịt gia cầm ước đạt 593,8 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 5 tỷ quả, tăng 4,8%). “Nếu không kiểm tra, kiểm soát chặt nhập khẩu tiểu ngạch thì nhiều rủi ro dịch bệnh rất lớn, gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Vì thế, cần cấm việc nhập khẩu tiểu ngạch”, ông Dương đề xuất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Văn Tuế cũng khẳng định, năng lực của chúng ta không thiếu trong cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Ông đề nghị không đưa phụ phẩm, nội tạng vào danh mục nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vì không có ích cho dinh dưỡng của người dân. Đối với các doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm này, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các lô hàng hết “đát” (hạn sử dụng). Có chăng chúng ta chỉ nên nhập khẩu thịt trâu, bò, còn thịt gia cầm không có nhu cầu nhập lớn vì trong nước đáp ứng được; và nên cấm nhập khẩu thịt gà thải loại sau sinh sản, ông Tuế đề xuất.
Sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu
Một trong những giải pháp được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất để gia tăng kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi là thiết lập hàng rào kỹ thuật. Theo các hiệp hội, đây là biện pháp tự vệ chính đáng để bảo vệ sản xuất trong nước và cần thiết, dù không dễ song buộc phải làm.
Về đề xuất của 4 hiệp hội, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xử lý các kiến nghị gồm: bỏ quy định công bố hợp quy đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; áp dụng đồng loạt việc không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản; kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Các bộ có ý kiến gửi về Ủy ban Kinh tế trước ngày 3.4.2024 để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Phản hồi về đề xuất này, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là thành viên của Tổ chức Thú y Thế giới và đã ký 19 hiệp định thương mại tự do. Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường; vì thế, không thể đặt ra “sân chơi” riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.
Cũng theo ông Long, đưa ra tiêu chí kỹ thuật là vấn đề “vô cùng khó”, vì từ trước tới nay, phần lớn chúng ta dựa vào tiêu chuẩn thế giới. Bây giờ, nếu đưa ra tiêu chuẩn cao hơn thì phải có bằng chứng khoa học, phân tích nguy cơ rủi ro, trong khi “mình làm sao giỏi hơn thế giới”.
Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, song đã có nhiều quốc gia gửi văn bản phản ứng, đại diện Cục Thú y xác nhận. Để kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, Cục Thú y đã tăng cường xử phạt hành chính các vi phạm liên quan. Năm 2023, Cục ban hành 163 quyết định xử phạt với hơn 10 tỷ đồng; chỉ tính 3 tháng đầu năm nay, Cục ban hành 33 quyết định xử phạt với 3,6 tỷ đồng… “Chúng tôi sẽ trình Bộ trưởng ký quyết định thanh tra hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật trong năm nay”, ông Long thông tin.
Đối với chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, đây không phải là việc riêng của ngành nông nghiệp mà cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương. Theo đó, cần bảo đảm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng; cùng với đó, cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra; bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu. Về phía Bộ Tài chính, cần xem xét bổ sung nguồn chi cho công tác giám sát an toàn thực phẩm, vì hiện kinh phí quá ít, chỉ như muối bỏ biển.
Đáng chú ý, ông Long cho biết, theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, đối với vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Lào) được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch y tế, động vật khi vào Việt Nam. Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo, công tác chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi là việc làm thường xuyên, liên tục. Ông yêu cầu phải rà soát lại nhập khẩu; siết chặt hệ thống thú y; tăng cường công tác phối hợp với các bên, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp để trên cơ sở đó giải quyết các kiến nghị kịp thời, phù hợp.