Không dễ lập hàng rào kỹ thuật kiểm soát sản phẩm chăn nuôi

Các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất thiết lập hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, điều này không đơn giản bởi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, không thể đi ngược lại các cam kết đã ký.

Đề xuất cấm nhập khẩu gà thải loại

Ba tuần trước, ngày 12.3, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đồng loạt ký văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, trong đó đề xuất kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Lý do bởi các hiệp hội lo ngại việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi sẽ gây rủi ro lây lan dịch bệnh, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước, làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước. Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Ảnh minh họa: Nhà đầu tư
Lập hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

Những lo ngại đó tiếp tục làm nóng cuộc họp giao ban Khối Chăn nuôi quý II do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 2.4. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt trong công tác chống buôn lậu, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu qua đường tiểu ngạch (nhập lậu) đã ít dần, cũng đã kiểm soát được việc buôn lậu sản phẩm này qua đường biên giới phía Bắc, song ở biên giới phía Nam vẫn diễn ra.

Ông Sơn đưa ra con số cập nhật vào sáng cùng ngày; theo đó, trung bình mỗi tuần, cả nước nhập khẩu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt Lào, tương đương 240 tấn. Như vậy, một tháng có khoảng trên 700 tấn gà đẻ thải loại vào Việt Nam, trong đó nhiều gà xuất xứ từ Thái Lan. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp được nhập khẩu chính thức đã trà trộn gà không được kiểm soát chất lượng vào các xe hàng, dẫn đến rủi ro an toàn thực phẩm, dịch bệnh. Không những thế, sản phẩm nhập lậu còn kéo giá một số mặt hàng trong nước giảm xuống, gây thiệt hại cho người nông dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ với lo ngại này, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương dẫn số liệu cho thấy “chúng ta không thiếu thực phẩm”; theo đó, trong quý I.2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2023 (trong đó thịt lợn đạt 1293,9 nghìn tấn, tăng 5,1%; thịt gia cầm ước đạt 593,8 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 5 tỷ quả, tăng 4,8%). “Nếu không kiểm tra, kiểm soát chặt nhập khẩu tiểu ngạch thì nhiều rủi ro dịch bệnh rất lớn, gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Vì thế, cần cấm việc nhập khẩu tiểu ngạch”, ông Dương đề xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Văn Tuế cũng khẳng định, năng lực của chúng ta không thiếu trong cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Ông đề nghị không đưa phụ phẩm, nội tạng vào danh mục nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vì không có ích cho dinh dưỡng của người dân. Đối với các doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm này, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các lô hàng hết “đát” (hạn sử dụng). Có chăng chúng ta chỉ nên nhập khẩu thịt trâu, bò, còn thịt gia cầm không có nhu cầu nhập lớn vì trong nước đáp ứng được; và nên cấm nhập khẩu thịt gà thải loại sau sinh sản, ông Tuế đề xuất.

Sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu 

Một trong những giải pháp được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất để gia tăng kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi là thiết lập hàng rào kỹ thuật. Theo các hiệp hội, đây là biện pháp tự vệ chính đáng để bảo vệ sản xuất trong nước và cần thiết, dù không dễ song buộc phải làm.

Về đề xuất của 4 hiệp hội, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xử lý các kiến nghị gồm: bỏ quy định công bố hợp quy đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; áp dụng đồng loạt việc không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản; kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Các bộ có ý kiến gửi về Ủy ban Kinh tế trước ngày 3.4.2024 để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Phản hồi về đề xuất này, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là thành viên của Tổ chức Thú y Thế giới và đã ký 19 hiệp định thương mại tự do. Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường; vì thế, không thể đặt ra “sân chơi” riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.

Cũng theo ông Long, đưa ra tiêu chí kỹ thuật là vấn đề “vô cùng khó”, vì từ trước tới nay, phần lớn chúng ta dựa vào tiêu chuẩn thế giới. Bây giờ, nếu đưa ra tiêu chuẩn cao hơn thì phải có bằng chứng khoa học, phân tích nguy cơ rủi ro, trong khi “mình làm sao giỏi hơn thế giới”.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, song đã có nhiều quốc gia gửi văn bản phản ứng, đại diện Cục Thú y xác nhận. Để kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, Cục Thú y đã tăng cường xử phạt hành chính các vi phạm liên quan. Năm 2023, Cục ban hành 163 quyết định xử phạt với hơn 10 tỷ đồng; chỉ tính 3 tháng đầu năm nay, Cục ban hành 33 quyết định xử phạt với 3,6 tỷ đồng… “Chúng tôi sẽ trình Bộ trưởng ký quyết định thanh tra hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật trong năm nay”, ông Long thông tin.

Đối với chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, đây không phải là việc riêng của ngành nông nghiệp mà cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương. Theo đó, cần bảo đảm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng; cùng với đó, cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra; bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu. Về phía Bộ Tài chính, cần xem xét bổ sung nguồn chi cho công tác giám sát an toàn thực phẩm, vì hiện kinh phí quá ít, chỉ như muối bỏ biển.

Đáng chú ý, ông Long cho biết, theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, đối với vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Lào) được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch y tế, động vật khi vào Việt Nam. Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo, công tác chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi là việc làm thường xuyên, liên tục. Ông yêu cầu phải rà soát lại nhập khẩu; siết chặt hệ thống thú y; tăng cường công tác phối hợp với các bên, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp để trên cơ sở đó giải quyết các kiến nghị kịp thời, phù hợp.

Kinh tế

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng. Ảnh: LPBank
Doanh nghiệp

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10 nghìn tỷ

Năm 2024, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tạo nên “cú hích” ngoạn mục khi lần đầu tiên ghi tên mình vào câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ là con số biết nói về sức khỏe tài chính của ngân hàng, mà còn cho thấy tầm nhìn đúng đắn, chiến lược kinh doanh sắc bén và khả năng thích ứng linh hoạt trong bối cảnh kinh tế đầy biến động.

Tỷ phú, nhà sáng lập Vietjet gặp gỡ đối tác chiến lược tại Mar-a-Lago
Kinh tế

Tỷ phú, nhà sáng lập Vietjet gặp gỡ đối tác chiến lược tại Mar-a-Lago

Từ ngày 9.1 đến 11.1.2025, đoàn lãnh đạo cấp cao Vietjet đã có chuyến đi thăm Hoa Kỳ để gặp gỡ hàng chục đối tác chiến lược đến từ nhiều nơi trên thế giới, tại dinh thự Mar-a-Lago trong sự kiện “Friends of Vietnam Summit” dành cho Vietjet và các đơn vị trong đoàn công tác đến từ Việt Nam, nhằm nâng cao quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Đoàn lãnh đạo đã đến Miami trên chuyến bay đầu tiên của Vietjet tới Mỹ. Chuyến bay được thực hiện với tàu bay thân rộng là cột mốc quan trọng đối với Vietjet và ghi dấu cho sự hợp tác chiến lược toàn diện ngày càng phát triển mạnh mẽ với Hoa Kỳ.

Ảnh minh họa
Kinh tế

Số vụ việc phòng vệ thương mại tăng mạnh và phức tạp hơn

Năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng, tăng gần gấp đôi so với năm 2023 và có những diễn biến phức tạp hơn. Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc. Đây là tín hiệu cho thấy những thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt ngày càng lớn.

Năm 2025, xuất khẩu gỗ hướng đến mục tiêu 18 tỷ USD
Kinh tế

Trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xuất khẩu gỗ hướng tới 18 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã "lấy lại phong độ", tăng trưởng 20% trong năm 2024 sau khi sụt giảm gần 16% trong năm trước đó. Ông NGÔ SỸ HOÀI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, sản phẩm gỗ Việt Nam có chỗ đứng khá vững chắc tại một số thị trường, chiếm được lòng tin của khách hàng và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Kinh tế

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân; giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bất động sản công nghiệp bứt phá
Kinh tế

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vào dự án công nghệ cao

Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ giúp thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng sẽ tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp.