Khai thác văn hóa bản địa để phát triển du lịch

- Thứ Ba, 22/11/2022, 15:48 - Chia sẻ

Nhờ lợi thế thiên nhiên ban tặng, sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương cũng như văn hóa độc đáo của các dân tộc, từ một huyện nghèo, đến nay, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút khách trong và ngoài nước cùng với những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc.

Điểm đến hấp dẫn về du lịch cộng đồng

Bản Đôn, xã Thành Lâm, cách trung tâm huyện Bá Thước gần 14km, có 159 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào Thái. Nơi đây có khu bảo tồn sinh thái Pù Luông - điểm đến mới trên bản đồ du lịch Thanh Hóa. Khoảng chục năm trước, bản Đôn rất hoang vắng, chỉ vài chục nóc nhà; người dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, hái măng rừng. Thế nhưng, từ khi chính quyền đẩy mạnh phát triển du lịch, tiềm năng của vùng đất này đã được đánh thức. Năm 2019, bản Đôn, cùng với bản Kho Mường, bản Báng (xã Thành Sơn), thác Hiêu (xã Cổ Lũng) được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Bá Thước Bùi Văn Lưỡng cho biết, kể từ khi một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào bản, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ du lịch, một số hộ dân trong bản đã nhanh chóng tiếp cận định hướng, nhu cầu thị trường, chớp thời cơ tham gia các lớp đào tạo về du lịch cộng đồng để xây dựng các mô hình homestay... Từ đó, bản Đôn nói riêng, huyện Bá Thước nói chung không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn được nhiều khách quốc tế tìm đến nghỉ dưỡng, tham quan, làm cho các bản làng trở nên sinh động và phát triển nhanh chóng.

Bản làng, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh là những khung cảnh đặc trưng ở Pù Luông
Bản làng, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh là những khung cảnh đặc trưng ở Pù Luông

Chị Cao Thị Mai, chủ homestay Inh La Home chia sẻ, tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước và nắm bắt làn sóng du lịch cộng đồng tại địa phương, năm 2016, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư làm du lịch. Chưa có kinh nghiệm, chị đi nhiều nơi như Hòa Bình, Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi mô hình, tham gia nhiều khóa học để có kiến thức, rồi từng bước xây dựng cơ ngơi của mình và đạt kết quả rất khả quan.

Đến nay, khu nghỉ dưỡng của chị Mai đã trở thành một quần thể với hơn 15 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi cùng bể bơi và nhà hàng. Tất cả đều được bày trí theo phong cách của đồng bào Thái.

“Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rõ nét, có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn, và tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương”, chị Mai hào hứng nói.

Chú trọng giữ gìn văn hóa bản địa

Đến nay, toàn huyện Bá Thước có 94 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch sinh thái Pù Luông là 74 cơ sở, với 104 nhà sàn, 172 banggalow, 261 buồng, phòng, 1.100 giường, công suất đón khoảng trên 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Hiện có 3 cơ sở đầu tư tại đây với tổng số vốn ước khoảng trên 100 tỷ đồng.

Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao, mà còn tạo việc làm nhiều người trong các làng, bản. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Hoạt động du lịch cộng đồng của các hộ gia đình, nhà đầu tư tại Pù Luông đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa mong muốn đưa đời sống, văn hóa của dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá.

Với định hướng phát triển du lịch nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống và cảnh quan thiên nhiên, đến Pù Luông, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc tự nhiên hoang sơ và không gian văn hóa đậm chất dân tộc Thái. Những đặc sản vùng miền như rượu cần, ốc núi, vịt thả suối Thanh Lâm (sản phẩm OCOP 4 sao), măng rừng, quýt rừng Pù Luông… luôn được du khách yêu thích.

Du khách cũng có thể thăm quan tại các địa điểm như Hang Dơi, chợ phiên Phố Đoàn, Bản Hiêu, Thác Hiêu, Suối Chàm để khám phá sự hoang sơ, hung vĩ của thiên nhiên cũng như đời sống hàng ngày của người dân bản địa.

Cũng nhờ tận dụng và phát huy tốt các yếu tố văn hóa bản địa nên sau đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch của Bá Thước đã tăng trưởng mạnh trở lại. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã đón 29.687 lượt khách đến thăm quan và nghỉ lại tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, 1.561 lượt khách quốc tế). Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước hơn 30 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, thu nhập bình quân đầu người ở Bá Thước vẫn dưới 30 triệu đồng/năm. Bá Thước đặt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025. Huyện đang phấn đấu nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc phát triển các ngành du lịch, công nghiệp. 

Bá Thước hiện là một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách trong và ngoài nước - Nguồn: http://tuoitrethanhhoa.vn/
Bá Thước hiện là một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách trong và ngoài nước
Nguồn: tuoitrethanhhoa.vn

Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Lưỡng thông tin thêm, Bá Thước đã có kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch để tăng cường xuất khẩu tại chỗ, giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập tiến tới thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có kế hoạch bố trí nguồn ngân sách lên tới hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyền. Đây được xem là “cú hích” thúc đẩy các ngành trụ cột của địa phương phát triển như vận tải, thương mại, du lịch và nông nghiệp.

Tùng Dương