Khách hàng phản ánh đến ngân hàng gửi tiết kiệm bị tư vấn sang mua bảo hiểm nhân thọ dù đã có 3 hợp đồng bảo hiểm

- Thứ Ba, 21/11/2023, 15:28 - Chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Thanh T (sinh năm 1964, trú tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) gửi đơn đến Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh việc đến một ngân hàng gửi tiền tiết kiệm bị nhân viên tại đây tư vấn không rõ ràng và mua nhầm bảo hiểm nhân thọ.

Đi gửi tiết kiệm, sau nghe tư vấn, khách hàng "mua nhầm" bảo hiểm nhân thọ

Nội dung đơn nêu rõ, sáng ngày 20.5.2021, bà T ra một ngân hàng chi nhánh tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội để gửi tiền tiết kiệm. Khi được mời vào làm việc có nói rõ với nhân viên ngân hàng mong muốn được gửi tiền tiết kiệm 100 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng tư vấn cho bà T là gửi tiết kiệm với thời hạn 5 năm sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi mỗi năm luôn cao hơn lãi suất hiện hành 0,4%. Sau 5 năm sẽ được lấy ra cả tiền gốc lẫn lãi. Nhân viên này không đề cập gì đến bảo hiểm nhân thọ.

Sau khi bà T đồng ý gửi 100 triệu đồng, nhân viên này hướng dẫn kí vào tờ giấy và ra quầy thu ngân nộp tiền, đợi một thời gian sau sẽ nhận sổ tiết kiệm được ngân hàng gửi qua bưu điện.

Vì tin tưởng ngân hàng, bà T đã ký như mọi lần gửi tiền tiết kiệm trước mà không đọc kỹ nội dung tờ giấy, cũng như không kiểm tra lại giấy nộp tiền. Khoảng 1 tuần sau ngày 20.5.2021, bà T nhận được gói bưu phẩm qua đường bưu điện và nghĩ là sổ tiết kiệm 5 năm sau mới được lấy ra cả vốn lẫn lãi nên đã cất vào tủ mà không mở ra kiểm tra lại.

Đến khoảng tháng 4.2023 khi thấy có nhiều lùm xùm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, bà T mới lấy gói bưu phẩm ra để kiểm tra lại thì bàng hoàng phát hiện ra đây không phải là sổ tiết kiệm mình gửi 100 triệu đồng với thời hạn 5 năm như nhân viên ngân hàng nói mà là một tờ giấy khổ A4 ghi: Chứng nhận bảo hiểm số 1900 0004 ****, hiệu lực hợp đồng từ tháng 5.2021, đáo hạn hợp đồng vào tháng 5.2065 (khi đó bà T đã 101 tuổi).

"Sau khi quét mã QR theo hướng dẫn và đọc được bộ hợp đồng bảo hiểm gồm: Chứng nhận bảo hiểm; Yêu cầu bảo hiểm; Tài liệu minh hoạ sản phẩm bảo hiểm; Thư xác nhận; Thông tin hữu ích dành cho khách hàng, tôi phát hiện thấy nhiều điều bất thường ở hồ sơ Yêu cầu bảo hiểm", bà T trình bày trong đơn.

Cụ thể, về phần thông tin cá nhân, bà T cho rằng đã bị ghi sai địa chỉ nhà. Ngoài ra, bà T khẳng định mình không sử dụng Email nhưng lại được thể hiện trong bộ hợp đồng địa chỉ mail là ngoc****2598@gmail.com.

Phần thu nhập cá nhân ghi là 300 triệu đồng/ năm, trong khi bà T đã về hưu từ năm 2019, lương thực tế được hưởng là gần 8 triệu đồng/ tháng thì thu nhập chỉ khoảng hơn 90 triệu đồng/ năm.

Về Thông tin sức khoẻ và các thông tin khác của Người được bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm: Tại Mục VI - Phần Thông tin về hồ sơ và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm khác - Điểm 12.a “Quý khách có yêu cầu bảo hiểm nào về nhân thọ, tai nạn, thương tật, bênh hiểm nghèo, nằm viện có quyết định bị tạm hoãn, từ chối, chấp thuận bảo hiểm có điều kiện (tăng phí, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm) hay không ?” được tích dấu (v) vào phần “Không”, trong khi thực tế bà T đã mua bảo hiểm của của công ty này cho bản thân và thành viên trong gia đình với số hợp đồng là 1720 0041 ****, 1790 0041 ****, 1790 0041 **** vào tháng 7 năm 2020.

Về phần chữ ký trong hồ sơ, bà T khẳng định 2 chữ ký ở hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và chữ ký ở tài liệu minh hoạ sản phẩm bảo hiểm là chữ ký giả mạo, không phải bản thân đặt bút ký.

Từ những căn cứ trên, bà T cho rằng mình đã bị lừa ký vào Thư xác nhận của bảo hiểm. Số tiền 100 triệu đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng đã bị biến thành mua bảo hiểm nhân thọ, chữ ký đã bị giả mạo và thông tin bị khai khống để hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm.

Gian nan đi đòi quyền lợi nhưng vô vọng

Bất bình vì sự việc nêu trên, bà T đã nhiều lần đến trụ sở chính của công ty bảo hiểm tại Hà Nội để khiếu nại nhưng đều nhận được trả lời bằng văn bản với nội dung “Rất tiếc ở thời điểm hiện tại chúng tôi không có đủ cơ sở để giải quyết phản ánh của quý khách”.

Cụ thể, trong thư phúc đáp đề ngày 5.7.2023 của công ty mô tả quy trình tư vấn và cấp Hợp đồng bảo hiểm gồm các bước: Chuyên viên tư vấn bảo hiểm tư vấn sản phẩm bảo hiểm tới Khách hàng, sau đó hỗ trợ Khách hàng làm Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm điện tử; Công ty thẩm định trên bộ Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm điện tử và phát hành bộ Hợp đồng bảo hiểm điện tử; bộ Hợp đồng bảo hiểm điện tử được gửi tới Khách hàng.

Tuy nhiên, theo đơn gửi đến Báo Đại biểu Nhân dân, bà T khẳng định không được bất cứ nhân viên nào tư vấn và bà T cũng không cung cấp bất cứ thông tin nào cho nhân viên của công ty bảo hiểm, cũng như không ký xác nhận vào yêu cầu bảo hiểm và tài liệu minh hoạ sản phẩm bảo hiểm.

“Tôi là một giáo viên và tôi vô cùng tin tưởng vào uy tín của Ngân hàng, tôi đã mua 3 hợp đồng nhân thọ tại công ty bảo hiểm này. Sau khi sự kiện bị lừa dối gửi tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, cùng với cách hành xử khi giải quyết khiếu nại của công ty, tôi vô cùng bàng hoàng và sốc vì 100 triệu đồng là số tiền không hề nhỏ so với hoàn cảnh kinh tế của tôi và gia đình”, bà T bức xúc chia sẻ.

Cao Kỳ
#