Luật Đất đai 2024

Khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện hạ tầng khu vực tái định cư

- Chủ Nhật, 24/03/2024, 07:44 - Chia sẻ

Luật Đất đai 2024 quy định UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện hạ tầng khu vực tái định cư để bàn giao cho người dân; không có quỹ đất tái định cư hoặc bố trí tái định cư tại các dự án khác chưa có đất. Qua đó, góp phần giảm bớt khiếu kiện, bức xúc của người dân khi có vướng mắc về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Minh bạch thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong Luật Đất đai là một trong những chế định quan trọng, hướng tới giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Thời gian qua, không ít bất cập đã phát sinh trong quá trình thu hồi đất khi giữa các bên chưa bảo đảm được hài hòa về lợi ích.

Theo Luật Đất đai 2024, phải bố trí tái định cư xong mới ra quyết định thu hồi đất. Đây là quy định hoàn toàn mới thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm bảo đảm điều kiện về chỗ ở ổn định cho người dân có đất bị thu hồi. Khoản 3 Điều 80 Luật Đất đai năm 2024 quy định một trong những điều kiện thu hồi đất là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của luật này. Khoản 6 Điều 91 quy định: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”, tức là tái định cư phải đi trước một bước, thay vì như hiện nay chỉ cần hoàn thành việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng của khu tái định cư thì sẽ được ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang

Để bảo đảm minh bạch, hạn chế những khiếu nại, khiếu kiện phát sinh, Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này phải là các dự án: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách…

Với 31 trường hợp cụ thể được quy định trong luật về Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát các trường hợp cần thiết phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của luật này, tại khoản 32 Điều 79 đã quy định trường hợp khác thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ngoài việc quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, luật cũng bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư…

Ngoài ra, Luật Đất đai cũng quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

 Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm công bằng, minh bạch. Ảnh: ITN
 Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm công bằng, minh bạch. Ảnh: ITN

Nhận định về quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, Điều 87, Luật Đất đai đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương.

“Luật quy định rõ hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để người dân biết, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thêm.

Giảm bớt vướng mắc phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, rút ngắn thời gian trình cấp tỉnh thu hồi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, vì nếu phải chờ sắp xếp lại tài sản công sẽ mất rất nhiều thời gian, nhất là các tài sản nhà đất do các bộ, ban, ngành trung ương quản lý.

Đáng chú ý, luật quy định UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể, khoản 5, Điều 87 quy định UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp không phải bố trí tái định cư; người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ và đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư; người có đất thu hồi đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, bàn giao đất trên thực địa để tự xây dựng nhà ở tái định cư; người có đất thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao nhà ở tái định cư; người có đất thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất ở gắn liền với nhà ở tái định cư; người có đất thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở; người có đất thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư.

Như vậy phải có quỹ đất tái định cư, bàn giao cho người có đất ở thu hồi trước khi thu hồi đất và bàn giao đất cho dự án, hoặc trường hợp người có đất thu hồi phải đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư. Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, quy định này kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện, bức xúc của người dân khi có vướng mắc về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện hạ tầng khu vực tái định cư để bàn giao cho người dân; không có quỹ đất tái định cư hoặc bố trí tái định cư tại các dự án khác chưa có đất.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà, Luật Đất đai có nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, đặc biệt trong trường hợp người bị thu hồi đất, góp phần hạn chế và giải quyết tốt hơn khiếu kiện về đất đai. Trong đó, luật quy định đa dạng hình thức bồi thường. Luật Đất đai năm 2013, người có đất bị thu hồi chỉ được bồi thường về đất cùng mục đích sử dụng hoặc được bồi thường bằng tiền. Trong khi đó, theo Luật Đất đai năm 2024, hình thức bồi thường cho người bị thu hồi đất đa dạng hơn, như bồi thường: bằng đất cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, bằng tiền, bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất. Đồng thời quy định người có đất ở thu hồi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu và phải đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Song Hà
#